Sau Croatia đến lượt Serbia khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Chính phủ Serbia đã quyết định khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau 14 năm bị bãi bỏ, theo lời Tổng thống Aleksandar Vucic hôm thứ Sáu (20/9).

Ông ca ngợi đây là bước quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.

 Các binh sĩ Serbia đứng gần hệ thống tên lửa tầm trung FK-3 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các binh sĩ Serbia đứng gần hệ thống tên lửa tầm trung FK-3 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chính phủ Serbia tuyên bố sẽ thành lập một nhóm làm việc để khởi động quá trình này.

Theo kế hoạch, nam giới ở Serbia sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, bao gồm 60 ngày huấn luyện và 15 ngày diễn tập. Trong khi đó, nghĩa vụ quân sự sẽ là tự nguyện đối với phụ nữ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng kế hoạch này sẽ tốn kém và thời gian ngắn như vậy không đóng góp nhiều cho khả năng phòng thủ của Serbia.

Lực lượng vũ trang của Serbia, quốc gia trở thành độc lập sau khi Nam Tư cũ tan rã trong những năm 1990, đã được chuyên nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2011. Tuy nhiên, quân đội vẫn gặp khó khăn về lương và trang thiết bị.

Serbia hiện là ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu và vẫn duy trì dịch vụ quân sự tự nguyện và các đơn vị dự bị.

Tổng thống Vucic sau khi ký thỏa thuận tái áp dụng nghĩa vụ quân sự, khẳng định: "Chúng tôi không có ý định tấn công ai, nhưng muốn ngăn chặn những ai đe dọa chúng tôi".

Quyết định này của Serbia diễn ra đồng thời với một động thái tương tự từ Croatia, một thành viên NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Croatia đã thông báo vào đầu tháng này rằng nghĩa vụ quân sự, vốn bị đình chỉ từ năm 2008, sẽ được khôi phục từ ngày 1/1/2025.

Serbia, một quốc gia duy trì chính sách trung lập về quân sự, đã tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO từ năm 2006 và ký Kế hoạch Hành động Đối tác Cá nhân vào năm 2015, mức độ hợp tác cao nhất dành cho các nước không muốn gia nhập NATO.

Vào tháng trước, Serbia đã ký thỏa thuận quan trọng với hãng Dassault Aviation của Pháp để mua 12 máy bay chiến đấu Rafale, một động thái được cho là xa rời Nga, đồng minh truyền thống và nhà cung cấp vũ khí của nước này.

Croatia cũng đã mua 12 chiếc Rafale, và sáu chiếc đã được chuyển giao.

Hai quốc gia láng giềng Serbia và Croatia có quan hệ khá lạnh lẽo từ sau khi Liên bang Nam Tư tan rã vào thập niên 1990, hiện đang trong quá trình mua sắm máy bay trực thăng và vũ khí hiện đại. Một số chuyên gia lo ngại điều này có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang.

Hồng Hạnh (theo Reuters, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-croatia-den-luot-serbia-khoi-phuc-nghia-vu-quan-su-bat-buoc-post313270.html