Sâu đầu đen gây hại dừa có chiều hướng lây lan nhanh
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các địa phương trồng dừa trong tỉnh tích cực tuyên truyền, tập huấn cho nhà vườn cách phòng trừ sâu đầu đen hại dừa nhằm hạn chế thiệt hại và lây lan diện rộng.
Cùng với việc mở khoảng 100 lớp tập huấn, ngành cấp phát tài liệu Hướng dẫn số 96/HD-SNN ngày 24/5/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng trừ sâu đầu đen hại dừa cho từng hộ trồng dừa để nông dân phòng trừ hiệu quả; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nông dân phòng trừ trên vườn dừa của mình. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn phun thuốc dập dịch những vườn dừa bị sâu đầu đen hại dừa nhiễm từ mức độ nhẹ đến nặng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, sâu đầu đen gây hại dừa đang có chiều hướng lây lan nhanh với cách thức đa dạng khó kiểm soát, nếu không phòng trị kịp thời sẽ bùng phát thành dịch gây thiệt hại lớn cho người trồng dừa. Hiện nay đang là mùa khô kết hợp với gió mùa Đông Bắc là điều kiện thuận lợi để sâu sinh sản và phát tán.
Hiện sâu đầu đen hại dừa đã xuất hiện tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Qua kết quả điều tra sơ bộ, toàn tỉnh có 34,5 ha (tương đương 7.626 cây) dừa bị sâu đầu đen gây hại; trong đó, 3,22 ha mức độ nặng, 11,56 ha mức độ trung bình, 19,72 ha mức độ nhẹ. Huyện Càng Long là địa phương có diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công nhiều nhất với trên 3.500 cây trên diện tích hơn 14 ha.
Ngoài ra, trong tỉnh còn một số diện tích đã nhiễm sâu đầu đen mật số thấp, dưới ngưỡng thống kê nhưng có khả năng gia tăng mật số và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen, nhà vườn cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá bị sâu gây hại bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước; đồng thời, không nên vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ như cau, chuối và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế sự lây lan.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 90.000 hộ trồng dừa trên tổng diện tích 27.380 ha với gần 7 triệu cây; tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 444 triệu quả/năm.