Sau dịch, du lịch vẫn khó khăn

ĐBP - Sau khoảng thời gian 'tê liệt' vì đại dịch Covid-19, việc nới lỏng giãn cách xã hội và cho các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại được xem như mở ra con đường 'hồi sinh' cho ngành Du lịch. Thế nhưng thực tế cho thấy, cần thêm nhiều thời gian để chiếc lò xo đang nén lại này có thể bật ra, đưa ngành 'công nghiệp không khói' về trạng thái bình thường như thời điểm chưa có dịch.

Du khách tham quan di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ.

Cú sốc đại dịch Covid-19 đã “đóng băng” nhu cầu du lịch khi Chính phủ buộc phải thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ các lễ hội, hội nghị và cao điểm nhất là giãn cách toàn xã hội. Thực hiện Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 4 hầu hết các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống và đón tiếp, phục vụ du khách đều tạm thời đóng cửa để chờ “cơn bão” Covid-19 trôi qua. Sau khi có chủ trương về việc mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, ngành Du lịch tỉnh nhà đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh dịch vụ chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên điều đáng buồn là vừa hết giãn cách xã hội thì cũng là lúc mùa cao điểm của du lịch Ðiện Biên đã trôi qua (thời gian này chiếm tới 70% tổng lượng khách đến Ðiện Biên trong năm). Thêm nữa, Ðiện Biên chuẩn bị bước vào mùa mưa - mùa có những bất trắc khó lường do thời tiết nên du khách sẽ ít lựa chọn cung đường Tây Bắc để tham quan du lịch, nghỉ dưỡng. Do vậy, chỉ với sự quan sát bình thường cũng có thể thấy ngành Du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời kỳ “hậu Covid-19”. Một gam màu tối vẫn đang bao trùm lên toàn ngành. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú… đều vắng khách; lượng người tới tham quan các điểm di tích, công trình văn hóa có nhích lên trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng rồi cũng nhanh chóng thấp trở lại. Dự ước tổng lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm đạt 111.400 lượt, chỉ đạt 12,24% so với kế hoạch, giảm trên 75% so với cùng kỳ năm 2019. Khách giảm, đồng nghĩa với tổng thu từ hoạt động du lịch cũng giảm theo, ước đạt khoảng 183,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 210 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch; 4 mô hình hoạt động homestay đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm của du khách. Ðối với các khách sạn lớn, có nguồn khách ổn định từ trước thì việc kinh doanh đang dần hồi phục trở lại. Có khách sạn đã phục hồi được khoảng 50% so với thời kỳ trước dịch. Tuy nhiên với các nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ hoặc hoạt động theo quy mô gia đình thì việc kinh doanh những ngày sau dịch vẫn chưa thể trở lại như bình thường. Khách sạn Bảo An nằm ngay trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - khu vực sầm uất bậc nhất của TP. Ðiện Biên Phủ, nhưng hiện nay, dù đã dỡ bỏ giãn cách xã hội thì việc kinh doanh của khách sạn vẫn lay lắt, chờ đợi vào “cú huých” mạnh mẽ từ những cơ quan chuyên môn của ngành Du lịch. Bà Hoàng Thị Mến, Chủ khách sạn Bảo An cho biết: Bình thường mọi năm, dù không phải thời gian cao điểm du lịch nhưng việc kinh doanh của khách sạn vẫn tương đối tốt. Các phòng thường xuyên kín khách. Nhưng bây giờ trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 4 - 5 phòng có khách, cuối tuần nhiều thêm được 1 - 2 phòng. Phần lớn là khách nội địa, nội tỉnh đi thực thi công vụ hoặc giao dịch làm ăn chứ khách du lịch rất ít. Từ khi mở cửa trở lại đến giờ, khách sạn cũng chưa đón tiếp người nước ngoài nào tới lưu trú. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì sẽ thực sự khó khăn cho cơ sở và cả nhân viên. Bởi không có khách, buộc lòng phải cho nhân viên tạm nghỉ để giảm chi phí. Bây giờ chỉ mong có giải pháp nào đó kích cầu để du lịch hồi phục.

Bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là 1 trong 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch với các hoạt động, như: Giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống... Cùng chung nỗi niềm với các đơn vị khác trong ngành Du lịch, bản Mển cũng đang chờ đợi sự hồi sinh sau dịch bệnh. Anh Lò Văn Khánh, Trưởng bản Mển cho biết: Từ khi hết giãn cách xã hội đến nay đã gần 2 tháng nhưng bản mới đón 2 đoàn, khoảng 40 khách đến giao lưu tại bản. Ðây là thời gian kinh doanh ảm đạm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ðiều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của gần 20 hộ tham gia làm du lịch. Tuy nhiên, bản cũng xác định đây là khó khăn chung thì phải cùng nhau vượt qua để tiếp tục duy trì làm du lịch cộng đồng. Tranh thủ dịp này, anh em trong bản dành thời gian để nghiên cứu, đổi mới các món ăn; chị em đội văn nghệ tập luyện thêm các tiết mục mới để sẵn sàng đón tiếp du khách vào những thời điểm khác.

Với Ðiện Biên, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy nên, việc nhanh chóng đưa du lịch phục hồi trở lại có thể tạo ra những xung lực tích cực thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đây là việc làm tương đối khó khăn, chưa thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều mà còn cần nhiều thời gian hơn nữa. Theo đó, du lịch Ðiện Biên tạm thời chưa đặt nặng việc tổ chức các hoạt động rầm rộ để thu hút du khách mà tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn hơn cho du khách trong thời gian tới. Ðồng thời, phát động các đơn vị lữ hành thực hiện kích cầu, trong đó chú trọng vào tăng chất lượng, giảm giá thành, người Ðiện Biên ưu tiên đi du lịch, nghỉ dưỡng tại Ðiện Biên…

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/du-lich/178571/sau-dich-du-lich-van-kho-khan