Sau Đông Nam Á, Citigroup bán thêm mảng bán lẻ tại Đài Loan
Nửa tháng sau thương vụ rút khỏi mảng bán lẻ ở 4 quốc gia Đông Nam Á, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin Citigroup sẽ bán tiếp mảng bán lẻ tại Đài Loan.
Năm ngoái, đại diện Citigroup cho biết tập đoàn này sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài Mỹ nhằm cải thiện lợi nhuận. Ảnh: AFP
Đài CNBC đưa tin, ngân hàng DBS (Singapore) vừa đồng ý mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại thị trường Đài Loan với giá 956 triệu đô la Singapore (706,6 triệu USD). Thương vụ này sẽ đưa DBS trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất ở Đài Loan, xét về giá trị tài sản.
Thỏa thuận này nằm trong chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài của Giám đốc điều hành DBS, ông Piyush Gupta. Năm ngoái, DBS - ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á - đã trở thành cổ đông thiểu số tại một ngân hàng tư nhân của Trung Quốc sau thỏa thuận mua cổ phần trị giá 814 triệu USD.
Còn trong năm 2020, DBS đã hoàn tất thương vụ thâu tóm một ngân hàng đang gặp khó khăn tại Ấn Độ. Theo tờ Economic Times, vào cuối năm 2020 DBS đã hoàn thành việc tiếp quản Lakshmi Vilas, một ngân hàng tư nhân 94 tuổi có trụ sở tại thành phố Chennai (Ấn Độ), đồng thời biến Lakshmi Vilas trở thành công ty con của ngân hàng Singapore theo đề nghị của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Thương vụ thâu tóm Lakshmi Vilas giúp DBS đạt bước tiến lớn trong phát triển thị trường tại Ấn Độ, từ chỗ chủ yếu hiện diện qua số hóa sang nắm giữ hàng trăm chi nhánh tại quốc gia Nam Á. Theo thỏa thuận, DBS bơm khoảng 338 triệu USD vào công ty con Lakshmi Vilas.
"Các thương vụ mua lại mà chúng tôi thực hiện kể từ khi bắt đầu đại dịch đã tạo cho chúng tôi một nền tảng để xây dựng quy mô có ý nghĩa tại một số thị trường cốt lõi. Thương vụ lần này (mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Đài Loan - BTV) không phải là ngoại lệ", Giám đốc điều hành DBS Piyush Gupta nhấn mạnh.
Phía DBS cũng cho biết họ sẽ chi trả thỏa thuận mua lại bằng nguồn vốn dư, cho nên không ảnh hưởng đến khả năng trả cổ tức của họ. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ tiếp nhận hơn 3.500 nhân viên làm việc trong mảng bán lẻ của Citigroup tại Đài Loan, cộng với khoảng 2,7 triệu thẻ tín dụng, 500.000 khách hàng gửi tiền và tài sản, và 45 chi nhánh.
Trước đó, vào giữa tháng này Citigroup đã thông báo họ sẽ bán lại mảng bán lẻ tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cho Ngân hàng United Overseas (UOB) của Singapore. Theo thỏa thuận, ngân hàng UOB sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các đơn vị quản lý tài sản và tiền gửi cá nhân của Citigroup. Đây là những cấu phần tạo nên mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 quốc gia Đông Nam Á.
Theo thỏa thuận, ngân hàng UOB sẽ thanh toán cho Citigroup giá trị tài sản ròng của các đơn vị được mua lại, cộng với một khoản khác trị giá 690 triệu USD. Thỏa thuận mua lại này cũng sẽ được thanh toán từ nguồn vốn dư của UOB nên ngân hàng này khẳng định tác động của thỏa thuận đến vốn cấp 1 của họ sẽ không quá nghiêm trọng và vẫn nằm trong ngưỡng quy định.
Giám đốc tài chính Citigroup Mark Mason cho rằng, việc bán lại mảng bán lẻ ở 4 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, cùng với các thương vụ được thực hiện trước đó cho thấy: "Chúng tôi nhận thức được tính cấp bách phải thực hiện chiến lược làm mới mình". Citigroup dự kiến thương vụ này sẽ được hoàn tất trong khoảng thời gian từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2024, tùy thuộc vào tiến độ và kết quả của các quyết định phê duyệt.
Trước đó, Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser cho biết rằng tập đoàn này sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài Mỹ nhằm cải thiện lợi nhuận. Năm ngoái, Citigroup đã đồng ý bán lại mảng kinh doanh bán lẻ ở Philippines và Australia, đồng thời thu hẹp hoạt động mảng này tại thị trường Hàn Quốc.