Sấu dữ rừng sác
Chiến khu Rừng Sác, một vùng đất ngập mặn, sông rạch chằng chịt. Thủy triều lên, chỉ nhìn thấy mênh mông sông nước hòa lẫn trong thảm đước xanh.
Con sông Lòng Tàu uốn khúc nối liền Vũng Tàu đến thành phố Hồ Chí Minh, nơi đây là căn cứ của trung đoàn 10 đặc công bám trụ suốt thời kỳ đánh Mỹ ở hướng đông nam Sài Gòn – Gia Định, đơn vị lập được nhiều chiến công về nhận chìm tàu giặc đủ loại. Cán bộ chiến sỹ đặc công thủy luôn phải lặn hụp ngày đêm trong sông nước. Muốn đánh được một trận tại bến cảng thì chân phải không đạp đất, bơi lội hàng mấy chục cây số, phải chịu đựng ác liệt với tất cả các loại máy bay tàu chiến kể cả B52 rải thảm và các cỡ pháo nòng ngắn nòng dài. Chưa đủ, đơn vị còn phải lo đối phó với một loài cá dữ không kém phần gay go nguy hiểm là cá sấu Rừng Sác.
Đại tá, Anh hùng LLVTND , Lê Bá Ước.
Trong một lần hành quân bằng xuồng đến ngã ba Thiềng Liềng lúc ban đêm, một tổ chiến đấu đang vượt sông thì biệt kích Mỹ trên bờ bắn xối xả, anh em phải đạp xuồng lặn sâu thoát khỏi vòng vây của lưới lửa. Chiến sỹ Nguyễn Đức Chương bị một con cá sấu lao tới nhe hai hàm răng nhọn hoắt quặp vào bên vai phải dìm xuống sâu, với phản ứng tự nhiên, anh dùng tay trái còn lại sờ soạng với hết tầm tay gặp phải mắt nó, anh móc mạnh vào, có lẽ sấu bị nhột nên thả con mồi ra. Chương trồi lên mặt nước thở hơi dài lập tức lại bị nó lao đến lần hai gắp vào vai trái lôi đi.
Các chiến sỹ đoàn 10 Rừng Sác giờ ra trận
Anh hết sức bình tĩnh nhớ đến cây dao găm, một kỷ vật của ông bố ở Nam Định trao cho khi bắt đầu vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Rút dao ra khỏi vỏ, dùng hết sức mạnh còn lại của bàn tay phải đâm một nhát vào mắt nó vọt máu tươi. Sấu đành nhả con mồi lặn mất. Anh cố sức bơi vào bờ trườn lên bãi nằm bất tỉnh. Ngay trong đêm khi ngớt tiếng súng, đồng đội tìm được anh, dùng chiếc xuồng chèo với thêm 3 dầm hỏa tốc lướt nhanh về bệnh xá trung đoàn ở sông Thị Vải, mãi bốn tháng sau, Chương mới ra viện với nhiều vết sẹo do răng sấu kéo dài trên thân thể.
Chiến sĩ đoàn 10, và cá sấu, 2 "bá vương đích thực" của Rừng Sác trong những năm kháng chiến chống Mỹ (bức tượng dũng sĩ đâm lê vào mắt cá sâu là phỏng theo câu chuyện của trung đội phó Hùng,
Trên sông Ông Kèo, Trung đội trưởng Khét, quê ở Long An cùng một chiến sỹ đang lội dưới nước kéo cá cải thiện cho đơn vị, một con sấu từ khúc quanh của vịnh hẳm đứng, lao tới quật đuôi ngang, gắp Khét đi chưa kịp kêu lên tiếng nào, chiến sỹ bảo vệ trên bờ chỉ còn biết bắn mấy loạt AK cảnh cáo theo dòng nước.
MỘT TỔN THẤT BẤT NGỜ:.
Cũng trên đoạn sông này trung đội trưởng Nghĩa (anh hùng Lê Công Nghĩa), một chiến sỹ đặc công thủy bơi giỏi như rái cá, đã từng bị tàu quét mìn lôi vướng vào răng cào, vẫn tìm cách thoát ra còn cướp được khẩu AR15 giết 3 tên giặc phục ở ngã ba Đồng Tranh. Một hôm anh nhận được lệnh của trung đoàn mang bọc tiền và công văn hỏa tốc vượt sông Lòng Tàu qua khu B, vì chiến trường chia cắt ác liệt, nếu đi bằng thuyền thì không qua nổi tàu tuần tiễu án ngữ dày đặc, đã có nhiều đồng đội thương vong, nên đơn vị quy định phải bơi sang để bảo đảm an toàn.
Như thường lệ, sau khi bắ tay đồng chí tiễn mình ra tận bờ sông, Nghĩa bình tĩnh, ung dung xuống nước thi hành nhiệm vụ, nhẹ nhàng bơi sải dài trên mặt sông, bỗng một con sấu không rõ lớn cỡ nào lao thẳng vào gắp ngang người, chỉ nghe tiếng quậy nước và rồi im lặng, anh đã mất hút trong đêm thanh vắng. Sau 3 ngày tìm kiếm chỉ vớt lên được sợi dây thắt lưng to còn nguyên vẹn gói bạc, tài liệu và chiếc bình toong, lại thêm một tổn thất đau lòng, đơn vị mát đi một anh hùng sông nước.
Trong một trận đánh tàu ở khu vực Độ Hòa trên sông lòng tàu, khi rút về bị máy bay truy kích quyết liệt nene lạc đội hình, một mình đại đội phó Lương Đình Mướt với cây chà là nhọn vác trên vai để sỏ mang con cá chép to tướng vừa bắt được. Đến bờ sông Đồng Tranh, nhìn bên kia là căn cứ của đại đội 5 của mình, anh từ từ xuống nước. Đặc công thủy mà lao vào sóng nước cũng như người đi dạo bước vào vườn hoa. Vừa ngập đến đầu gối thì một con cá sấu với cặp mắt đỏ lừ lao thẳng tới, hai hàm răng sắc nhọn quặp ngay vào đầu gối, tiện tay anh đâm thẳng vào mắt nó không rõ vì đau hay vì đã gắp được con cá chép tuột ra, nên hắn lặn mất. Nhưng Mướt bò lên bờ chân đau nhức, máu ra đầm đìa theo vết răng, vết thương sưng to phát sốt ngay và nằm mê man bất tỉnh giữa rừng chà là rậm rạp. Có lẽ hàm răng nó dơ dáy đầy chất độc, đã gây nhiễm trùng cho vết thương.
Ở đơn vị, anh em bủa ra đi tìm 2 ngày không thấy Mướt đâu và đã điện báo về trung đoàn chuẩn bị làm lễ truy điệu. Qua ngày thứ 3 dần dần tỉnh lại, nghe được tiếng chuống nhà thờ ngân vang hướng lộ 19 quận Nhơn Trạch, anh mừng rỡ biết mình còn sống. Không còn cách nào khác hơn, và cũng may có một chiếc bình tông cỡ lớn của tàu Mỹ bị đánh chìm trôi dạt vào bờ, anh nắm lấy làm phao hỗ trợ cho một chân tê, đau nhức, cũng phải rợn mình từ từ xuống nước lội đứng nhẹ nhàng vượt sông về đơn vị.
Một trường hợp khác, khi một mình mang điện khẩn từ Sở chỉ huy lên tuyến tiền phương Ông Kèo, chiến sỹ vệ binh Mười Mót lái chiếc xuồng máy kô – le 4, ban đêm trà trộn với dân chài lưới vượt qua bót Vũng Gấm, khi vừa đến vàm Rạch Lá đụng ngay hỏa lực tới tấp của biệt kích Nhà Bè mai phục, anh đạp ghe máy lặn xuốn nước mấy hơi qua khỏi vòng lưới lửa, thì con sấu từ đâu lao tới gắp ngay vào đùi, định tha chạy giỡn với con mồi cho đến khi tắt thở mới ăn thịt. Nhớ ngay đến kinh nghiệm Đức Chương đâm mắt cá sấu thoát nạn, nhưng anh lại không có dao găm, chỉ còn cây đèn nghéo (loại đèn pin nhà binh) dắt ngang thắt lưng, tiện tay rút ra đút thẳng vào miệng nó đang mở rộng. Có lẽ cá sấu vướng cổ tạm thời nhả mồi ra, Mướt vớ ngay được cành bần xòa mặt nước, níu lấy trườn lên bờ. Thế là sau hai tháng nằm viện điều trị, anh về còn rõ mấy vệt răng kéo dài bên đùi phải.
Trước tình hình phải đối phó với loại sấu hung dữ đã quen mùi thịt người này, anh em rất căm tức và ũng có phần ngán ngại, vì không biết chúng có mắt ở chỗ nào. Nhiệm vụ đặc công là phải lao xuống nước đi tìm tàu giặc nơi bến cảng, ban chỉ huy Đoàn phát động đợt thi đua đánh trả cá sấu.
Đại đội 14 mua ngay một con vịt bầu béo mượt, cặp hai bánh thuốc nổ gắn kíp liền với dây trên bờ vào bên đôi cánh, thả cho vịt lội bập bềnh trên mặt sông Ông Kèo. Đến nửa đêm, con sấu mò tới gắp ngay miếng mồi bơi đi, một tiếng nổ ấm, vang trong đêm đen, dòng máu loang ra, nó bị chìm sâu, luồng nước chảy xiết đã cuốn đi theo một thằng “giặc dữ”. Mãi về sau này dân phát hiện một cá sấu trôi dạt và tan rã ngoài sông xa.
Từng tổ phân nhau đi lục tìm những bầy sấu con nở trứng trong các hố bom đìa B52, vừa lớn khoảng cườm tay, chúng táp hỗn như chó cón. Anh em có sáng kiến cởi quần dài, quấn vào cánh tay quơ qua quơ lại ở hố bom, sấu con háu đá lao vào cắn, răng sữa nhọn dính ngay vào vải, bắt lên từng con một đem về kho nghệ. Tiếc là thịt của chúng còn nhão, ăn chưa ngon, nhưng cũng được bữa cải thiện.
Đã diệt thì phải diệt từ trong trứng, tìm ở các bãi sình lầy, có hôm đại đội 12 hốt gọn một ổ hơn 30 quả, hình dáng như hột vịt hơi tròn hơn và nhỏ hơn, khi nấu chín lòng trắng vẫn bầy nhầy không bao giờ đặc, ăn vào rất béo. Sau bữa tiệc nhậu trứng sấu với rượu đế, anh em dành lại 6 trứng tối đó tổ chức đột ấp chiến lược Quới Thạnh, đến gõ cửa từng nhà như ông Năm, bác Tám, chú Sáu… những gia đình cơ sở hậu cần của đơn vị, thân tặng món nhậu đặc sản. Ông Năm vui vẻ nói: “Tao sống ở đất Ông Kèo này cả đời vậy mà chưa thấy được trứng sấu, cám ơn mấy thằng con giải phóng…”.
Một buổi sáng tinh sương, trung đội phó Hùng từ căn cứ vác khẩu súng AK đi tuần tra qua tắc Bào Thai dọc theo sông Ông Kèo, đề phòng biệt kích Nhà Bè vào quấy phá. Anh dừng lại vàm tắc Xay Lúa, nơi cách đây mấy tháng một tiểu đoàn biệt động quân ngụy hành quân qua, một chú lính đi sau cùng níu cành cây thả chân quậy nước rửa sình, bất thình lình con sấu phục đâu sẵn và cũng có thể ngay vào nơi ở dưới bờ hẳm của nó, quật đuôi ngang một cái, chú lính văng xuống sông rồi mất hút. Và cách đó mấy trăm thước, một phụ nữ trong ấp chiến lược lộ 19 xuống bắt cua, lội ra tắm ban ngày, chỉ nghe một tiếng quẫy nước rồi mất xác. Hùng đang miên man suy nghĩ về con thú dữ này trên sông nước Ông Kèo, Rạch Lá, thì bỗng anh dừng lại khom mình nhìn vào gốc bụi chà là rậm rạp, sợ mắt mình mờ anh đưa tay áo dụi dụi mấy cái, nhìn kỹ lại là con cá sấu dài khoảng năm sáu mét, da mốc xù xì như khúc gỗ mục đang đói mồi nằm im phục kích. Không chần chừ, anh mở khóa an toàn, đưa đường ngắm lên, xiết nguyên băng đạn. Cá sấu từ từ lặn xuống mép rạch, đầu chìm sâu vẫn còn lại khúc đuôi. Không để cho nó thoát, Hùng buông súng lao tới hai tay nắm chặt, miệng cắn phụ, lần lưng rút chốt lựu đạn ném vào đầu đan ghìm sâu dưới nước, nhưng không nổ, không thấy sấu phản ứng (về sau mới biết xương sống nó bị trúng đạn), anh ném thêm quả thứ 2, bị kích động hai trái cùng nổ tung tóe nước. Một tiếng rền vang, ầm cả khu rừng.
Đại đội trưởng Ngọc ở nhà nghe tiếng súng và lựu đạn tưởng là đụng biệt kích lập tức cho tổ trinh sát bám ra, thì thấy Hùng vẫn ghì chặt đuôi sấu, thêm chiếc lưỡi lê nhọn xuyên ngang tạo thế. Anh em vui mừng đưa ngay chiếc xuồng be nhứt ra, không làm sao dìu nổi sấu lên ghe. Sau phải nhận chìm đưa sấu nằm gọn vào rồi tát cạn nước chở về căn cứ. Cả đại đội tập trung dao, búa xẻ thịt, lột da treo đầy vách lá, cả trên giường ngủ. Riêng cái đầu phải hai người khiêng mới nổi. Trinh sát Đức Inh đem ra sông rạch cái bao tử xem có gì? Một heo rừng con vừa bị nuốt và còn cả một mớ tóc đen khi ăn thịt người chưa tiêu hết, quyệt cùng mớ lưới dây giăng cá. Anh em lấy ghe máy cắm cờ ba que ngụy, công khai chở thịt đi phân phối đến các chốt tiền tiêu Rạch Tràm, Bà Bông, Tắc Trũng… cả trung đoàn được bữa ăn ngon. Thịt cá sấu già ăn dai và ngọt giống như thịt heo rừng, nhưng điều phấn khởi là đã đánh trúng được thằng giặc không tên này trả thù cho đồng đội.
Xin phép được kết lại bài post bằng bài thơ "thương nhớ" của đại tá, anh hùng LLVTND Lê Bá Ước, người anh cả Đoàn 10, lời thơ chất chứa khí chất hào hùng và nỗi đau của 1 người anh khi "anh đã không tìm được và có lẽ sẽ không bao giờ tìm được hết các em" vì "sấu đã ăn các em rồi":
LẶN SÂU XUỐNG SÔNG LÒNG TÀU
ĐỒNG ĐỘI NGÀY XƯA CÓ THẤY ĐÂU
HỎI ỐC, ỐC NẰM IM CHẲNG NÓI
HỎI CUA, CUA BẢO SẤU ĂN RỒI
XƯƠNG TRẮNG NỞ HOA TẬN ĐÁY SÔNG
MÊNH MÔNG RỪNG SÁC NHUỐM MÀU HỒNG
NĂM TRĂM HÀI CỐT CHƯA TÌM ĐƯỢC
RỪNG ĐƯỚC BẠT NGÀN NHỮNG CHIẾN CÔNG.
Trích: "Một thời Rừng Sác" của Anh hùng LLVTND, đại tá Lê Bá Ước, cựu đoàn trưởng kiêm chính ủy Đoàn 10 Đặc Công Rừng Sác
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/sau-du-rung-sac-a18513.html