Sau gần 13 năm, UAE cử đại sứ trở lại Syria

Đại sứ đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Syria sau gần 13 năm đã tới và đảm nhận chức vụ tại thủ đô Damascus vào ngày 30/1.

Đại sứ mới được bổ nhiệm của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Syria Hassan Ahmad al-Shihi (trái) trình ủy nhiệm thư lên Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad ngày 30/1/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đại sứ mới được bổ nhiệm của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Syria Hassan Ahmad al-Shihi (trái) trình ủy nhiệm thư lên Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad ngày 30/1/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad đã nhận giấy ủy nhiệm của Đại sứ Hassan Ahmad al-Shihi.

Trước đó, vào cuối năm 2018, Đại sứ quán UAE đã được mở cửa trở lại ở Syria. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mới chỉ có tham tán tại đại sứ quán đảm nhiệm các nhiệm vụ ngoại giao chứ không có đại sứ chính thức. Nhật báo Al-Watan đưa tin ông Al-Shihi đã đến Damascus trong ngày 29/1.

Vào tháng 3/2022, Tổng thống Syria Bashar Assad đã có chuyến công du tới UAE. Đây cũng là quốc gia Arab đầu tiên tiếp đón nhà lãnh đạo này kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra gần 13 năm trước. Sau trận động đất ngày 6/2/2023 khiến hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 8.000 người ở Syria thiệt mạng, UAE đã điều hàng chục máy bay chở hàng viện trợ đến Syria.

Đến tháng 5/2023, Liên đoàn Arab gồm 22 quốc gia đã đồng ý khôi phục lại tư cách thành viên của Syria, chấm dứt 12 năm cấm vận và thực hiện bước đi nhằm đưa ông Assad trở lại với tổ chức này. Tổng thống Assad, người đã 2 lần đến thăm UAE kể từ năm 2022, đã tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab ở Saudi Arab vào tháng 5/2023.

Đại sứ UAE đến Syria làm nhiệm vụ trong bối cảnh Syria đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, một phần là do cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của nửa triệu người, khiến hàng triệu người khác phải di dời và khiến phần lớn đất nước bị phá hủy.

Các chuyên gia đánh giá việc Damascus và các nước Arab hòa giải khó có thể khôi phục dòng tiền chảy vào Syria. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với sự tàn phá của chiến tranh và nạn tham nhũng tràn lan dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Syria.

Liên hợp quốc ước tính 90% người Syria ở các khu vực do chính phủ kiểm soát sống trong cảnh nghèo đói. Hơn một nửa dân số - khoảng 12 triệu người - phải chật vật để có bữa ăn. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) kết thúc chương trình hỗ trợ trên khắp Syria từ tháng 1.

Năm 2011, UAE đã triệu hồi đại sứ của mình ở Syria sau khi xuất hiện cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad. Trong khi đó, Đại sứ quán Syria tại UAE vẫn mở cửa. Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Ayman Soussan được bổ nhiệm làm đại sứ mới của nước này tại Saudi Arabia.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP/Al-Watan)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-gan-13-nam-uae-cu-dai-su-tro-lai-syria-20240131151213837.htm