Sau gần 3 năm tham gia, 'ông trùm' thương hiệu nội thất Dương Quốc Nam muốn 'chia tay' Gỗ Trường Thành
Với lý do bận công việc cá nhân, không sắp xếp được thời gian để đảm nhiệm công việc được phân công, ông Dương Quốc Nam (sinh năm 1972) đã nộp đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập Gỗ Trường Thành (TTF) nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo tìm hiểu, ông Dương Quốc Nam có trình độ tiến sỹ quản trị kinh doanh, bắt đầu tham gia vào Gỗ Trường Thành từ tháng 4/2020. Cùng với đó, hiện tại, ông Dương Quốc Nam còn đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Hoàng Nam Group.
Được biết, Hoàng Nam Group được thành lập từ năm 2001, sở hữu thương hiệu nội thất Phố Xinh với 7 cửa hàng trên toàn quốc, tổng diện tích mặt bằng gần 200.000m2; sở hữu nhà hàng Con Gà Trống với 3 chi nhánh đặt tại TP.HCM và 1 nhà hàng đặt tại Bình Dương.
Hoàng Nam Group đang cộng tác với các thương hiệu nội thất quốc tế lớn như Ashley (Mỹ), Roche Bobois (Pháp), Natuzzi Italia (Ý), Hilker (Đức). Trong đó, Natuzzi có thâm niên hơn 60 năm và công ty thành viên là Natuzzi Singapore đã được Gỗ Trường Thành mua lại 20% vốn điều lệ vào năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT từng chia sẻ, Gỗ Trường Thành đang bắt tay với Phố Xinh để mở rộng các showroom lớn tại các tỉnh thành tại Việt Nam thông qua thương hiệu gỗ Casadora và tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp nội địa.
Như vậy, việc sếp của Hoàng Nam Group chia tay Gỗ Trường Thành sau gần 3 năm tham gia cho thấy việc hợp tác giữa 2 bên đang trở thành câu hỏi.
Đáng chú ý, ông trùm thương hiệu nội thất Dương Quốc Nam rút lui khỏi Gỗ Trường Thành trong bối cảnh công ty vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh kém khởi sắc.
Cụ thể, trong quý IV/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 502,31 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 8,54 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 22,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 15,31 tỷ đồng lên 84,33 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 61,8%, tương ứng giảm 28,02 tỷ đồng về 17,32 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 15,9%, tương ứng tăng thêm 4,45 tỷ đồng lên 32,35 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 31,9%, tương ứng giảm 34,45 tỷ đồng về 73,41 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 77,3%, tương ứng giảm 9,81 tỷ đồng về 2,88 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý IV, công ty ghi nhận lỗ 21,43 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 66,74 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong quý IV, công ty chỉ hoàn nhập dự phòng 0,14 tỷ đồng so với cùng kỳ 54,41 tỷ đồng, lũy kế cả năm hoàn nhập dự phòng 83,97 tỷ đồng so với cùng kỳ 203,2 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đã hụt hoàn nhập dự phòng, điều này cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty.
Lũy kế trong năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 2.018,54 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 6,02 tỷ đồng, tăng 139,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận chỉ đạt 6,02 tỷ đồng, công ty đã không hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao cho Ban điều hành, tỷ lệ hoàn thành chỉ là 8,3% kế hoạch lợi nhuận.
Mặc dù ghi nhận lãi nhẹ trong năm 2022, tuy nhiên tính tới 31/12/2022, công ty vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 3.041,8 tỷ đồng và bằng 73,97% vốn điều lệ.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tăng 7,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 207,9 tỷ đồng, lên 3.046,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 712,5 tỷ đồng, chiếm 23,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 673,1 tỷ đồng, chiếm 22,1% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác ghi nhận 380,5 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 369 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 358,6 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng tài sản.
Trong năm, biến động tăng chủ yếu là đầu tư tài chính dài hạn tăng 390,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 285,5 tỷ đồng lên 358,6 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 29,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 164 tỷ đồng lên 712,5 tỷ đồng. Ngược lại, biến động giảm chủ yếu tồn kho giảm 27,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 260,5 tỷ đồng về 673,1 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2, cổ phiếu TTF dừng ở mức 4.200 đồng/cp.