Sáu giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả tại Bắc Giang

Sáng 18-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Báo Bắc Giang đăng cai tổ chức hội thảo với chủ đề 'Báo Đảng tuyên truyền cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế'.

Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ảnh: Ngọc Thủy

Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ảnh: Ngọc Thủy

Dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và gần 400 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên 26 cơ quan báo Đảng khu vực phía Bắc; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan báo chí ở Trung ương, các tỉnh miền Trung và phía Nam.

Điểm sáng cả nước về phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành cho biết, Bắc Giang thuộc vùng trung du và miền núi Bắc bộ, có vị trí địa chính trị tương đối thuận lợi nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách cảng Hải Phòng 140km.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong tiền lệ, có thời điểm Bắc Giang là tâm dịch Covid-19 lớn nhất cả nước, song với truyền thống đoàn kết, với quyết tâm và khát vọng đưa Bắc Giang phát triển trở thành cực tăng trưởng của các tỉnh trong khu vực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực, bứt phá vươn lên, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đứng tốp đầu toàn quốc, đứng đầu các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. 9 tháng đầu 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,89% (cao nhất cả nước). Đến hết năm 2023, quy mô GRDP đạt 181,9 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 65,7%; dịch vụ chiếm 21,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13%. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 đứng thứ 2 và năm 2023 đứng thứ 4 cả nước.

Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh những năm gần đây liên tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Năm 2023, thu hút vốn FDI của tỉnh Bắc Giang đạt trên 3 tỷ USD, đứng thứ 4 cả nước; 9 tháng năm 2024 đạt 1,7 tỷ USD. Tính đến nay, có 30 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với 593 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 23,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 10,7 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh; sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm phát triển toàn diện, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Tỉnh tập trung cao, đồng bộ, hiệu quả “3 An”: An ninh, an sinh và an toàn; công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật; chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 và chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố...

Lãnh đạo Báo Bắc Giang, Báo Hànôịmới, Báo Vĩnh Phúc đồng chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

Lãnh đạo Báo Bắc Giang, Báo Hànôịmới, Báo Vĩnh Phúc đồng chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: Ngọc Thủy

6 giải pháp thu hút nhiều tập đoàn “làm tổ”

Những năm qua, Bắc Giang được nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn là nơi “làm tổ” như: Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar, Hana micron… Điều đó minh chứng cho sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Một số cách làm mà Bắc Giang đã và đang thực hiện thời gian qua như sau:

Thứ nhất, tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch tỉnh. Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, ngay khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã tổ chức công bố, thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin lựa chọn, quyết định đầu tư vào Bắc Giang.

Thứ hai, Bắc Giang tập trung xây dựng môi trường kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng với phương châm khuyến khích phát triển tất cả các thành phần kinh tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng và minh bạch; đồng thời, tập trung cao, quyết liệt giải quyết tốt các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 105-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện Nghị quyết với lộ trình, thời gian và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương. Hằng năm, UBND tỉnh đều khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI). Qua đó để đánh giá chéo giữa huyện với sở, sở với huyện; đồng thời giúp các huyện, các ngành tự soi, tự sửa để có cơ hội thu hút đầu tư vào chính địa phương, đơn vị mình.

Phục vụ nhu cầu tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp, UBND tỉnh thực hiện công khai, minh bạch thông tin dự án đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, việc tiếp cận các nguồn lực của nhà nước (vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản…), thống nhất chủ trương không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, đổi mới tư duy về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, phương châm: Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư, bảo đảm mục tiêu “doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển”, không chạy theo nhà đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, tạo giá trị gia tăng lớn và không tiêu tốn tài nguyên, năng lượng cũng như không gây ô nhiễm môi trường...

Thứ tư, tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ để phục vụ thu hút đầu tư.

Ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thông thoáng, kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Bắc Giang với các tỉnh, thành phố khác tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bố trí ngân sách và kêu gọi thu hút các nguồn lực khác để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng khu nhà ở xã hội dành cho công nhân và các hạ tầng xã hội khác.

Về hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), tập trung cao cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN để thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư..

Về các hạ tầng kỹ thuật, xã hội khác, tỉnh luôn quan tâm bố trí mọi nguồn lực tổ chức đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) đến ranh giới các dự án...

Thứ năm, tập trung hỗ trợ đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh thông qua đề án, chính sách phát triển nguồn nhân lực, các chính sách thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài về làm việc tại tỉnh; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề và 25 trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo khoảng 29.000 học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 76%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 32% (cao hơn bình quân chung của cả nước 5%)...

Thứ sáu, chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm từ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung liên quan tới doanh nghiệp; thường xuyên chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ yếu tố gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc gặp mặt, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định.

Đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đều thành lập các tổ công tác do một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, mời gọi doanh nghiệp đến khảo sát, cùng bàn bạc, trao đổi các vấn đề và cùng đi đến thống nhất. Hằng tháng, kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch.

Đặc biệt, năm 2024, trước khó khăn về thiếu lao động của các doanh nghiệp, Bắc Giang đã thành lập 4 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành làm trưởng đoàn xúc tiến lao động tại 11 đơn vị, trong đó có 8 tỉnh, thành phố và 3 trường đại học. Qua đó, đã góp phần bảo đảm nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động…

Hànôịmới

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sau-giai-phap-thu-hut-dau-tu-hieu-qua-tai-bac-giang-681790.html