Sau hội đàm Nga - Mỹ, Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò hòa giải cho xung đột Ukraine?
Sau cuộc hội đàm gần đây giữa Mỹ và Nga về xung đột Ukraine, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò hòa giải cho cuộc khủng hoảng này hay không? Giới chuyên gia cho rằng sự tham gia của Bắc Kinh vào quá trình đàm phán hòa bình, dù chưa rõ ràng, có thể tạo ra những thay đổi lớn trong cục diện hiện tại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan ngày 22/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong tuần này, giới chức Mỹ và Nga đã tổ chức cuộc hội đàm đầu tiên về cuộc xung đột Ukraine tại thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.
Trung Quốc, quốc gia tự định vị mình là nhà gìn giữ hòa bình trong suốt cuộc xung đột, đã bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, nước này cũng nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan - bao gồm Ukraine - nên tham gia vào các cuộc đàm phán. Tổng thống Trump đã cho rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng không làm rõ cách thức cụ thể.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Vào ngày 18/2, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia để thúc đẩy hòa bình, sau những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh.
Ban đầu, các quốc gia phương Tây hy vọng Trung Quốc sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi với Nga để tác động đến cuộc xung đột Ukraine. Ông Sergey Radchenko, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nga, tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Johns Hopkins, cho rằng Trung Quốc sẽ mong muốn đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Sự tham gia của Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố quan trọng cho một kết quả thành công, đồng thời nâng cao vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Cảnh đổ nát trong xung đột giữa Nga và Ukraine tại Kiev (Ukraine) ngày 20/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đã chủ động tiếp cận nhóm của Tổng thống Trump, đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin và sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận hòa bình, cùng việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối xác nhận liệu họ có nhận được lời đề nghị này hay không, cho rằng bất kỳ đề xuất nào như vậy đều “không khả thi”.
Tờ The Economist đưa tin rằng một số quan chức Mỹ đang đề xuất các quốc gia ngoài châu Âu, chẳng hạn như Brazil hoặc Trung Quốc, có thể tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về khả năng này.
Ông Wang Yiwei, chuyên gia về các vấn đề châu Âu tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc là yếu tố không thể thiếu nếu muốn đảm bảo an ninh cho Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, ông Bjorn Alexander Duben, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Nga tại Đại học London, cho rằng Trung Quốc không nhất thiết muốn có vai trò lớn, nhưng sẽ muốn nâng cao vị thế như một nhà gìn giữ hòa bình quốc tế mà không phải gánh trách nhiệm quá lớn.
Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Victor Gao cũng cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.
“Trên thực tế, tôi nghĩ rằng thay vì chỉ tới Saudi Arabia để thảo luận về những vấn đề này, sẽ tốt hơn nếu Trung Quốc đứng ra tổ chức một cuộc gặp có sự tham dự của cả Tổng thống Trump, Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo của các nước châu Âu cũng có thể được mời đến Bắc Kinh”, ông đề xuất.
Về phần mình, Nga cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại thủ đô Moskva vào tháng 5 tới. Tổng thống Trump cũng đã được mời tham dự sự kiện này, nhưng không rõ liệu ông có tham dự hay không.