Sau Huawei, vấn đề hạt nhân của Anh sẽ là nguồn căng thẳng tiếp theo với Trung Quốc?
Trong bối cảnh ngoại giao căng thăng, vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân ở Anh đang bắt đầu gây tranh luận, ngay cả khi điều này làm ảnh hưởng đến tham vọng năng lượng của Vương quốc Anh.
Thời kỳ kinh tế hoàng kim giữa London và Bắc Kinh được tuyên bố vào năm 2015 dường như đã kết thúc, nó bị tác động bởi những lời chỉ trích của Anh về việc Trung Quốc kìm hãm Hồng Kông và việc loại trừ công ty Huawei khỏi mạng 5G.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước những đòn trả đũa có thể xảy ra, và đối với một số lượng lớn dân biểu Anh, điện hạt nhân hiện đang đóng vai trò như một mặt trận mới vì họ lo lắng về ảnh hưởng của cường quốc thứ hai thế giới.
Tại Bắc Kinh, tập đoàn CGN là một bánh răng cốt yếu trong công cuộc đổi mới điện hạt nhân kể từ nhiều năm nay của các chính phủ Bảo thủ ở Vương quốc Anh nhằm thay thế các nhà máy điện hạt nhân cũ.
“Chính sách năng lượng của chúng tôi nằm trong tay người Trung Quốc và chúng tôi nên sửa đổi chiến lược của mình trong lĩnh vực này”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Duncan Smith phát biểu trên tờ The Telegraph vào đầu tháng 7/2020.
CGN hợp tác với tập đoàn EDF của Pháp trong quá trình phát triển Hinkley Point, nhà máy điện hạt nhân duy nhất đang được xây dựng ở Anh, dự kiến sẽ được bàn giao từ cuối năm 2025.
Trung Quốc chỉ là một đối tác nhỏ bên cạnh Pháp, nước cung cấp các lò phản ứng EPR thế hệ mới.
Đây cũng là kiểu lò cho dự án nhà máy điện Sizewell ở Suffolk, nằm ở bờ biển phía đông nước Anh, EDF và CGN đang chờ chính phủ phê chuẩn.
Đối mặt với những lời chỉ trích, tập đoàn Trung Quốc tự hào đã đầu tư 3,8 tỷ bảng Anh vào Anh với việc tạo ra hàng nghìn việc làm.
“Tất cả những gì CGN mong đợi từ Vương quốc Anh là uy tín và sự ủng hộ đối với công nghệ của họ - thứ mà họ cho là quan trọng để xuất khẩu sang các nước khác”, Steve Thomas, giáo sư tại đại học Greenwich và chuyên gia về các vấn đề năng lượng cho biết.
Sự tham gia của tập đoàn Trung Quốc vào Hinkley và Sizewell là một sự đối trọng trong việc phát triển nhà máy điện của mình, nhà máy Bradwell ở Essex (đông nam), nơi EDF là một đối tác thiểu số.
Bradwell “sẽ là một quyết định chính trị”, ông Thomas cho biết. “Nếu Bradwell gặp khó khăn, tôi sẽ không ngạc nhiên khi Trung Quốc rút lui khỏi Hinkley và Sizewell”.
Và trong trường hợp đó, chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua cổ phần của Hinkley trừ khi họ từ bỏ nhà máy.
Trên thực tế, việc thuyết phục các đối tác khác sẽ rất khó khăn vì các khoản đầu tư cần thiết rất lớn cũng như rủi ro chậm tiến độ hoặc chi phí phát sinh.
Hinkley Point bị đội chi phí và hiện ước tính lên tới 22,5 tỷ bảng Anh.
Vào năm 2018, tập đoàn Toshiba của Nhật Bản đã từ bỏ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Cumbria (phía tây bắc nước Anh). Công ty “cùng quê” của Toshiba là Hitachi, đã đóng băng dự án nhà máy điện hạt nhân của mình ở Wales vào đầu năm 2019, có vẻ như đã sẵn sàng để khởi động lại việc xây dựng. Công ty đang chờ chính phủ Anh công bố chiến lược năng lượng mới trong những tháng tới, bao gồm mô hình tài trợ mới cho năng lượng hạt nhân.
“Hy vọng cuối cùng”
Điều này sẽ được chuyển lên vai người tiêu dùng, với một khoản đóng góp sẽ được thêm vào hóa đơn tiền điện của họ. Theo ông Thomas, chính phủ không thoải mái với giải pháp này “nhưng đó là hy vọng cuối cùng cho chương trình hạt nhân”.
Bộ Năng lượng Anh cho biết: “Việc đổi mới năng lượng hạt nhân phải đóng vai trò quan trọng như một năng lượng carbon thấp để hạn chế biến đổi khí hậu. Chúng tôi thường xuyên liên hệ với các nhà đầu tư liên quan đến các dự án của họ”.
Chính phủ Anh đang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió và có kế hoạch ngừng sử dụng than, nhưng năng lượng hạt nhân vẫn còn cần thiết để đạt được mục tiêu về tính trung hòa carbon mà chính phủ đã đặt ra cho năm 2050. Năng lượng nguyên tử chiếm khoảng 20% sản lượng điện trong nước, vì chiếm một tỷ lệ cao mà các cơ quan chính quyền có ý định duy trì.