Sau khai giảng, thầy cô ở Mường Tè vẫn phải vận động học sinh đến lớp
Toàn huyện Mường Tè còn thiếu 78 giáo viên nhưng không tuyển được do thiếu nguồn. Ngành Giáo dục huyện còn gặp nhiều khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, bước vào năm học mới toàn huyện vẫn còn hơn 195 phòng học bán kiên cố, 18 phòng học tạm.
Năm học 2023-2024, trên địa bàn toàn huyện Mường Tè có 36 trường trực thuộc Phòng giáo dục và Đào tạo với hơn 14 nghìn học sinh (tương ứng 603 lớp).
Mặc dù những năm qua, ngành giáo dục của huyện Mường Tè nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của nhà nước tuy nhiên ngành vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Khó khăn hiện tại mà ngành giáo dục và các thầy cô giáo đang phải khắc phục chính là việc còn thiếu các phòng học chức năng, phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ; trang thiết bị dạy học trực tuyến chưa đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu sử dụng.
Nhiều đơn vị trường thiếu máy tính để triển khai dạy môn Tin học; điều kiện điện, mạng internet phủ sóng các điểm bản xa xôi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Do đặc thù huyện nên học sinh đều ở bán trú trong khi cơ sở hạ tầng dành cho công tác nuôi dạy bán trú còn thiếu, phòng ở cho học sinh nhiều trường tạm bợ, phòng lắp ghép, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống vệ sinh còn thiếu.
Bên cạnh đó, mặc dù vừa qua huyện đã tổ chức tuyển dụng được 26 giáo viên. Tuy nhiên hiện trên địa bàn vẫn còn thiếu 78 giáo viên ở các cấp học. Dù đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyển dụng nhưng do thiếu nguồn tuyển nên số lượng giáo viên trên địa bàn vẫn chưa được đáp ứng đủ.
Cũng theo ông Sơn, ngoài những khó khăn trên thì đâu đó bà con vẫn còn những hạn chế trong nhận thức về việc học tập của con em mình.
Tại một số địa bàn có cộng đồng nhiều người La Hủ sinh sống như xã Tá Bạ, Pa Ủ… trước thềm năm học mới, các thầy cô còn vất vả trong việc vận động học sinh ra lớp. Gần đến ngày khai giảng các thầy cô phải đến từng nhà, thậm thí phải lên nương, rẫy tìm từng trò, đưa đón học sinh về trường.
Mặc dù vậy, tỷ lệ học sinh ra lớp tại một số trường vùng này vẫn thấp, thậm chí có những trường, tỷ lệ học sinh ra lớp đầu năm học mới chỉ đạt trên 70%.
Nguyên nhân ở đây một phần do nhận thức của người dân, một phần do đồng bào La Hủ hiện đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn nên chế độ cho học sinh đến lớp bị giảm.
Có em do vừa bị hạ chế độ hỗ trợ nhưng lại không thuộc diện được học bán trú dẫn đến tâm lý không muốn đến trường...
Vì vậy, ngay sau khai giảng, nhà trường, thầy cô và chính quyền địa phương vẫn phải tiếp tục tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động và đón học sinh.