Sau khi Chủ tịch bị bắt, Phó giám đốc Petroland cũng thoái vốn, từ nhiệm

Hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, PTL) vừa mới thông báo về việc miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc của ông Đinh Việt Thanh vào ngày 8/11 sắp tới.

Theo đó, ông Đinh Việt Thanh có trách nhiệm bàn giao lại các công việc đang thực hiện, các chứng từ/khoản tài chính liên quan (nếu có) cho Giám đốc Petroland trước ngày 12/11.

Sự việc này diễn ra trong bối cảnh ông Thanh vừa thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phiếu, tương đương 15,23% vốn tại Petroland và không còn là cổ đông tại Công ty.

Động thái thoái vốn của Phó Giám đốc Petroland gây khá nhiều bất ngờ đối với giới đầu tư khi trước đó ông Thanh liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu của Công ty, dù đều không mua đủ số lượng như đã đăng ký.

Cụ thể, từ tháng 7/2017, ông Thanh đã liên tục gom thêm cổ phiếu PTL nhưng với lượng mua được rất nhỏ giọt. Gần đây nhất, từ 26/8 - 24/9, ông Thanh đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu nhưng chỉ mua được 305.280 cổ phiếu do thị giá không như kỳ vọng, nâng tỷ lệ sở hữu từ 14,92% lên 15,23%. Vào ngày 1/10, ông Thanh còn có thông báo sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty lên 18%, tương đương mua thêm 3 triệu cổ phiếu.

Chỉ qua hôm sau, ngày 2/10, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT của Petroland để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì ông Thanh với lý do thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân nên đã không thực hiện mua vào 3 triệu cổ phiếu như đã đăng ký trước đó.

Sau đó lại thực hiện việc thoái vốn một cách nhanh chóng.

 Ông Đinh Việt Thanh có những động thái lạ sau khi Chủ tịch bị bắt.

Ông Đinh Việt Thanh có những động thái lạ sau khi Chủ tịch bị bắt.

Do đâu ông Đinh Việt Thanh xin từ nhiệm?

Còn nhớ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vào cuối tháng 6, ông Thanh đã có động thái nổi bật khi đề ra nhiều kiến nghị để Petroland hoạt động tốt hơn.

Trong đó, có nội dung đề nghị Petroland tăng vốn lên ít nhất 500 tỷ đồng. Hơn nữa ông Thanh yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Dầu khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Ông Thanh còn chia sẻ thêm: “Tuy việc hủy bỏ không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ nhưng do HĐQT trước của Petroland khi chuyển nhượng cổ phần Thăng Long cho Đất Xanh đã không tuân thủ theo quy định pháp luật. Rủi ro về thiệt hại khi hủy bỏ hợp đồng tại thời điểm này vượt quá phạm vi quyết định của HĐQT nên đề nghị ĐHĐCĐ thông qua chủ trương về việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng”.

Từ đó có thể thấy ông Thanh khá có trách nhiệm và lo cho “vận mệnh” của Petroland. Nhưng vì sao ông Thanh lại xin miễn nhiệm và thoái vốn tại Công ty một cách chóng vánh sau thông tin Chủ tịch bị bắt?

Về kết quả kinh doanh quý 3/2019, Petroland ghi nhận lãi ròng gần 763 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng gần 1,1 tỷ đồng, nhờ có khoản thu nhập từ phạt vi phạm hợp đồng hơn 4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Petroland báo doanh thu hơn 32 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng. Nếu quý 4 vẫn tiếp tục lỗ thì Công ty phải đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/sau-khi-chu-tich-bi-bat-pho-giam-doc-petroland-cung-thoai-von-tu-nhiem-75985.html