Sau khi từ bỏ điện hạt nhân, Đức sẽ làm gì tiếp?

Sau khi loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, ngành năng lượng Đức sẽ tăng tốc độ xây dựng nhiều nhà máy điện khí mới.

Bà Kerstin Andreae - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng và Nước uống Đức, phát biểu với cơ quan báo chí Đức như sau: “Để đảm bảo an ninh nguồn cung mọi lúc, ngay cả trong dài hạn, chúng tôi cần những nhà máy điện khí hydro, nhằm tạo ra một nguồn cung điện đáng tin cây và điều tiết được. Chúng tôi là đối tác trong ngành năng lượng tái tạo. Nếu không sử dụng nhà máy điện khí, Đức sẽ tiếp tục phát thải khí nhà kính với nồng độ cao, vì khi loại bỏ hoàn toàn hạt nhân, nhà máy nhiệt điện than phải tiếp tục hoạt động lâu dài”. Vào hôm 15/4 sắp tới, ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn hoạt động ở Đức sẽ đóng cửa.

Cách đây không lâu, Hiệp hội thương mại khí đốt Zukunft Gas đã chỉ trích chính phủ vì vấn đề thiếu ưu đãi đầu tư cho dự án xây dựng những nhà máy điện khí hydro mới. Ông Timm Kehler - Thành viên Hội đồng quản trị, cho biết: “Hoạt động loại bỏ điện hạt nhân đã có hiệu quả, bây giờ chúng tôi phải đẩy nhanh công việc loại bỏ điện than và hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2030. Nói cách khác, chúng tôi phải từ bỏ “trụ cột năng lượng” hiện nay, vốn còn tồn tại để đảm bảo phát điện dự phòng cho trường hợp không có gió hay ánh sáng mặt trời”. Bên cạnh năng lượng tái tạo, chúng tôi cũng cần phát triển nhà máy điện khí hydro càng sớm càng tốt, cũng như những lựa chọn linh hoạt khác, chẳng hạn như lưu trữ điện, nhằm bù đắp khi xảy ra thâm hụt.

Ông Kehler chia sẻ: “Ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất, chúng tôi ước tính thị trường điện Đức vẫn sẽ thiếu ít nhất 15 GW điện vào năm 2031. Để tránh xảy ra tình trạng thâm hụt từ năm 2030, thị trường điện có những lựa chọn linh hoạt mới. Điều này sẽ bao gồm xây dựng những nhà máy điện khí hydro mới. Công trình sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành trong 8 năm tới, giúp chúng tôi rời bỏ than đá một cách an toàn và đáp ứng những mục tiêu khí hậu của Đức. Bà Andreae cho biết, tiêu chuẩn sản xuất hiện tại sẽ không đảm bảo đủ năng lượng trong thời hạn.

Người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Robert Habeck cho biết, dựa theo quan điểm loại bỏ dần than, Bộ đang phát triển một “chiến lược sản xuất điện hiệu quả trong ngắn hạn” cho những nhà máy điện có thể chạy chỉ trong trường hợp thiếu ánh sáng mặt trời và gió không thổi. Nếu vậy, Đức cần xây dựng những nhà máy điện mới, với tổng công suất lắp đặt lên tới 25 GW. Một số có thể chạy bằng khí hydro ngay từ đầu, còn một số khác sẽ sử dụng khí hydro về sau, bằng cách nâng cấp những nhà máy điện khí cũ và thay thế hệ thống nhà máy điện chạy bằng than.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/sau-khi-tu-bo-dien-hat-nhan-duc-se-lam-gi-tiep-682762.html