Sau khi uống rượu bia lái xe ra lề đường nằm ngủ có bị phạt về nồng độ cồn?

Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi, sau khi uống rượu bia, lái xe điều khiển xe ô tô đến lề đường để ngủ nghỉ tạm thời cho tỉnh táo thì có bị xử phạt về lỗi vi phạm nồng độ cồn?

Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 nêu rõ, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo quy định trên, cá nhân ngay sau khi uống rượu bia không được điều khiển xe ô tô vì trong cơ thể có nồng độ cồn. Do đó, nếu người này thực hiện việc lái xe đến vị trí dừng, đỗ xe khi cơ thể chưa đào thải hết cồn vẫn bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Về chế tài xử phạt, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Mức vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (điểm c khoản 6 Điều 5), đồng thời lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 -12 tháng.

Với mức vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (điểm c khoản 8 Điều 5), đồng thời lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Với mức vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, đồng thời lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đặc biệt, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ đầu năm 2025, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều này có nghĩa, nồng độ cồn bị cấm tuyệt đối khi tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, không phân biệt loại phương tiện.

Trường hợp có căn cứ cho rằng người điều khiển xe dừng đỗ sai quy định, theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cá nhân này sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Như vậy, lái xe ngay sau khi uống rượu điều khiển xe ô tô đến vị trí dừng đỗ xe hoặc sau nghỉ ngơi nhưng chưa đủ thời gian cơ thể đào thải hết nồng độ cồn mà tiếp tục lái xe, thì vẫn có thể bị kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn. Lực lượng Cảnh sát giao thông có thể chứng minh hành vi vi phạm trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện ghi hình, để lập biên bản vi phạm, xử phạt theo quy định…

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sau-khi-uong-ruou-bia-lai-xe-ra-le-duong-nam-ngu-co-bi-phat-ve-nong-do-con-post584733.antd