Sau kỳ thi, chọn ngành thế nào để không 'lạc lối'?

Hành trình quan trọng của các sĩ tử 2K7 đã bắt đầu: chọn ngành, chọn đường đi cho tương lai. Giữa muôn vàn lựa chọn, không ít học sinh hoang mang trước câu hỏi lớn: nên học ngành mình yêu hay ngành dễ xin việc? Làm sao để không 'lạc lối' ngay từ những bước đầu tiên? Cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc (Cô Sương Mai) – giáo viên Văn online nổi tiếng – đã đưa ra nhiều góc nhìn sâu sắc giúp học sinh tự tin bước vào hành trình quyết định cuộc đời.

>

Cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc, hay còn được biết đến với cái tên “Học Văn Cô Sương Mai”, được hàng trăm ngàn học sinh yêu mến bởi phương pháp gần gũi, khả năng “chữa lành” qua văn học và cách truyền tải qua giọng nói truyền cảm

Cô Hoàng Thị Kim Hậu Phúc, hay còn được biết đến với cái tên “Học Văn Cô Sương Mai”, được hàng trăm ngàn học sinh yêu mến bởi phương pháp gần gũi, khả năng “chữa lành” qua văn học và cách truyền tải qua giọng nói truyền cảm

Đừng chọn ngành chỉ để “an toàn”

Câu hỏi “nên học ngành mình yêu thích, hay ngành có cơ hội việc làm cao?” không mới, nhưng luôn là nỗi băn khoăn thường trực của các bạn trẻ sau kỳ thi THPT. Với cô Sương Mai – người đồng hành cùng hàng trăm ngàn học sinh suốt mùa ôn thi, đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thực tế nhưng cũng đầy tỉnh táo.

Cô chia sẻ: “Nếu điều kiện cho phép, hãy ưu tiên điều khiến em hứng thú, có sự tìm hiểu nhất định và có thể duy trì động lực lâu dài. Vì khi mình thật sự yêu công việc, mình sẽ đủ kiên nhẫn vượt qua rất nhiều giai đoạn chông chênh”.

Theo cô, đam mê không phải là thứ quá bay bổng hay xa vời. Nó đơn giản là điều khiến một người cảm thấy bản thân có giá trị, cảm thấy muốn gắn bó và học hỏi không ngừng. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi để theo đuổi đam mê ngay từ đầu. Trong trường hợp phải ưu tiên sự ổn định, cô khuyên: “Hãy tự nhủ rằng, bất cứ ngành nào cũng có khoảng trống để mình tìm ra điều mình yêu, miễn là mình không ngừng học hỏi và làm chủ con đường ấy”.

Không ít học sinh, vì lo sợ thất nghiệp, vì nghe lời người lớn “chọn ngành cho chắc ăn”, mà bỏ qua khả năng lắng nghe chính mình. Tuy nhiên, chọn ngành học giống như chọn người bạn đồng hành suốt 4 – 5 năm tuổi trẻ, nếu chỉ dựa trên “chắc ăn” mà thiếu sự yêu thích, rất dễ rơi vào trạng thái học cho xong, làm cho qua.

Học đúng ngành không bằng sống đúng với chính mình

Từ trải nghiệm nhiều năm làm giáo viên, lắng nghe hàng trăm câu chuyện của học sinh sau khi vào đại học, cô Sương Mai nhận ra: “Nhiều bạn chọn ngành vì người khác bảo hợp, hoặc vì sợ mình thua kém bạn bè. Ít bạn dành thời gian tự hỏi ‘mình thật sự muốn gì?’”.

Theo cô, điều khiến cô tiếc nuối nhất không phải là việc các bạn chọn nhầm ngành, mà là việc các bạn không đủ tự tin để sống đúng với chính mình. “Các em đã quen sống theo ‘khuôn mẫu thành công’ hơn là tin vào khả năng tự kiến tạo giá trị của bản thân. Thành công dường như bị đóng khung sẵn: phải là ngành A, trường B, điểm cao mới đáng để tự hào”.

Khi được hỏi “học ngành đúng hay sống đúng với chính mình – điều nào quan trọng hơn?”, cô trả lời dứt khoát: “Mình tin sống đúng với chính mình mới là gốc rễ. Một ngành nghề phù hợp có thể tạo đà, nhưng chính sự chân thành với đam mê và bản sắc cá nhân mới giúp người trẻ có cuộc sống trọn vẹn, bền bỉ”.

Trong giai đoạn xét tuyển, mỗi học sinh sẽ nhận được rất nhiều lời khuyên – từ bố mẹ, thầy cô, bạn bè, cả từ mạng xã hội. Điều đó có thể giúp mở rộng góc nhìn, nhưng không thể thay thế vai trò của việc tự đưa ra lựa chọn. “Hãy trân trọng lời khuyên, nhưng vẫn cần tỉnh táo phân tích để tự mình quyết định. Bởi sau tất cả, chỉ có mình mới chịu trách nhiệm trọn vẹn cho cuộc đời mình”, cô nhấn mạnh.

Tinh thần học tập suốt đời quan trọng hơn điểm số

Một trong những lo lắng lớn của học sinh là: nếu mình không thật sự giỏi môn nào nổi bật, thì liệu có thể thành công ở đại học và trong công việc sau này? Với câu hỏi này, cô Sương Mai đã có câu trả lời đầy khích lệ: “Chắc chắn có. Kiến thức có thể bổ sung dần, kỹ năng có thể luyện tập. Nhưng sự trung thực, nỗ lực và tinh thần cầu tiến là nền tảng để bất kỳ ai cũng trưởng thành và thành công theo cách riêng”.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và công nghệ đang thay đổi diện mạo nghề nghiệp từng ngày, việc chọn ngành "đúng chuẩn" không còn là bảo chứng cho tương lai ổn định. Cô cho rằng, điều quan trọng nhất học sinh cần chuẩn bị không phải là ngành học cụ thể, mà là tinh thần học tập suốt đời và khả năng thích nghi.

“Tri thức ngày hôm nay rồi sẽ lỗi thời. Nhưng tinh thần tự học và khả năng thích ứng sẽ giúp các em vững vàng trước mọi thay đổi”, cô chia sẻ. Nhiều bạn trẻ quá tập trung vào việc chọn ngành “hot”, mà quên mất rằng: chính bản thân người học mới là yếu tố quyết định sự phát triển lâu dài.

Chọn ngành là điểm khởi đầu, không phải đích đến. Hành trình phía trước sẽ còn nhiều ngã rẽ, nhiều lần điều chỉnh. Do đó, việc nuôi dưỡng thói quen tự học, tinh thần cầu tiến và sẵn sàng làm mới bản thân mỗi ngày sẽ là “la bàn” giúp các bạn không lạc đường, dù có đi qua bất kỳ khúc quanh nào trong đời.

Lời nhắn nhủ cho mùa xét tuyển

Kết thúc buổi trò chuyện, khi được hỏi nếu chỉ được đưa ra một lời khuyên duy nhất dành cho học sinh lớp 12 trong mùa xét tuyển, cô Sương Mai nhẹ nhàng nói:

“Đừng chọn ngành để trở thành phiên bản mà người khác mong đợi, hoặc chạy theo xu hướng đám đông – hãy chọn để khám phá thế giới, tìm kiếm bản thân và trở thành chính mình”.

Đó không chỉ là lời khuyên, mà là thông điệp sâu sắc cho những bạn trẻ đang đứng ở ngưỡng cửa lớn của cuộc đời: hãy học cách lắng nghe nội tâm, can đảm tin vào mình, và kiên định với con đường đã chọn – vì tương lai không dành cho người đi theo lối mòn, mà dành cho người biết chủ động vẽ ra con đường của riêng mình.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sau-ky-thi-chon-nganh-the-nao-de-khong-lac-loi-post1759807.tpo