Sau lũ, vẫn lo đói!

Ngay khi lũ vừa rút ở miền Trung, hàng đoàn xe cứu trợ mang theo hàng hóa đã ken chật tuyến Quốc lộ 1.

Trước việc các nhà hảo tâm đã nhanh nhạy, nhiệt tình hỗ trợ và chia sẻ, người dân miền Trung thật ấm lòng. Cái đói chắc chắn sẽ sớm bị đẩy lùi, vì ngoài nỗ lực của người dân vùng lũ, còn có sự chia sẻ của bá tánh.

Nhưng nói đói vì lũ thì ngoài đói ăn trong lũ, đói ăn ngay sau lũ thì sẽ còn 2 thứ đói khác mà có khi sẽ làm cho nhiều người tán gia bại sản. Đó là "đói sức" và "đói tiền".

Nước ngập chợ Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trong đợt lũ lụt vừa qua

Nước ngập chợ Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trong đợt lũ lụt vừa qua

"Đói sức", vì sức lực đã dùng hết cho việc chạy lũ và chịu lũ, nay lũ rút nhưng nhà cửa, ruộng vườn tan hoang thì tinh thần suy sụp nên lại càng mệt mỏi, có người đổ bệnh ngay. Người có tiền thì thuê mướn người phụ giúp, người nghèo thì chỉ chờ sức lực hồi phục đến đâu mới lăn ra làm đến đó.

Nhưng ở thời điểm ngặt nghèo này thì thuê lao động ở đâu ra, gọi từ xa đến thì quá đắt đỏ. Con cháu đi làm ăn xa cũng không mấy ai đủ tiền mua vé máy bay để về ngay mà giúp cha mẹ.

Đường sá khắp nơi, đặc biệt trong các thôn xóm vùng rốn lũ, nay hầu hết đều ách tắc do cây cối ngã đổ, bùn đất và rác rưởi chất đống. Bùn đất đóng hàng lớp dày trong nhà dân, đồ đạc lấm lem hết.

Vậy trong thời điểm "đói sức" này, vùng lũ cần gì? Đấy là cần lực lượng bên ngoài tiếp sức, mang theo phương tiện cuốc xẻng, máy cưa cầm tay, máy điện loại nhỏ để phục vụ bơm xịt nước...

Vì sao nói lực lượng từ ngoài là vì ở ngay vùng lũ thì mọi nhà đều chung hoàn cảnh. Những gia đình chỉ có người già, con cháu đi làm ăn xa thì càng khó. Nói công an, bộ đội, thanh niên... tại chỗ thì đúng là có đấy chứ, nhưng chính cá nhân họ cũng có nhà cửa, gia đình đang trong tình cảnh bấn loạn; chưa kể họ đã phải trải qua nhiều ngày tất bật, căng thẳng nên sức tàn lực kiệt.

Đường sá nhiều ngày không giải phóng được, nhà cửa bê bết bùn đất như thế thì mọi sự cứu trợ cũng ách tắc, giao thương khó khăn dẫn đến đời sống rất khó phục hồi. Môi trường ô nhiễm đưa đến bùng phát dịch bệnh.

Không kể công an, quân đội… mà sinh viên các trường đại học thời những năm sau chiến tranh đều được huy động vào cứu trợ dân sau các đợt thiên tai; có đợt đi hàng tháng, ăn cùng dân, ở cùng dân. Học sinh các cấp trung học, tiểu học cũng đều tùy lứa tuổi để tham gia cùng nhà trường lau chùi, dọn dẹp, vệ sinh; qua đó để học thêm kỹ năng sống và cũng thêm gắn bó tình cảm với thầy cô, trường lớp.

"Đói tiền", mà đặc biệt là những gia đình mà cả vợ chồng, con cái hoàn toàn là nông dân. Vì thu nhập của họ chỉ từ ruộng vườn, chăn nuôi. thì gia súc, gia cầm, con thì trôi mất, con chết ngạt, con ngã bệnh; ruộng vườn thì bùn đất san phẳng.

Muốn phục hồi chăn nuôi, sản xuất thì cần tái thiết ruộng vườn, mua con giống và cây giống... nên cần nhiều tiền đấy chứ không ít. Không có tiền thì rồi sẽ đói ăn là chắc luôn. Lúc đó, lũ qua lâu rồi, đói cũng khó có ai giúp.

Cho nên, cứu trợ bằng lương thực, thực phẩm để ăn ngay đúng là rất cần nhưng chỉ nên vừa phải, vì cần hơn đó nữa chính là dành nguồn lực giúp dân vùng lũ sớm phục hồi sinh kế.

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/sau-lu-van-lo-doi-20201024224434204.htm