Sau lùm xùm từ thiện của các sao Việt, niềm tin vào 'thần tượng' đang mất đi

Những lùm xùm từ việc từ thiện của nhiều nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng đến khán giả gần đây khiến nhiều người rất 'sốc'. Dù sự việc chưa rõ trắng đen nhưng những lùm xùm trên cũng ít nhiều làm mất mát niềm tin của công chúng.

Những thông tin gây sốc trong giới showbiz Việt từ việc các nghệ sĩ bấp chấp quảng cáo cho đến việc lùm xùm từ thiện thời gian gần đây được dư luận rất quan tâm. Từ chuyện danh hài Hoài Linh "ngâm" hơn 14 tỉ đồng tiền ủng hộ đồng bào miền Trung đến vợ chồng Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành cũng bị "điểm danh" về chuyện từ thiện không minh bạch. Dù chưa rõ họ có ăn chặn tiền từ thiện hay không nhưng những lùm xùm trên cũng khiến niềm tin của công chúng ít nhiều bị mất mát.

Nhiều nghệ sĩ Việt đang đối mặt với lùm xùm từ thiện. Ảnh TL

Nhiều nghệ sĩ Việt đang đối mặt với lùm xùm từ thiện. Ảnh TL

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, việc kêu gọi từ thiện là những hành động tốt đẹp, xuất phát từ lòng trắc ẩn đối với người dân. Hiện có rất nhiều người muốn làm từ thiện nhưng không làm được, không có sức đi… nên thường tìm đến với những người thân quen, người mà họ tin tưởng để gửi gắm.

Người nghệ sĩ hay tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận làm "trung gian" chuyển đến những đối tượng khó khăn là điều rất tốt. Với người nghệ sĩ, việc làm của họ xét ở góc độ nào đó cũng làm cho "hào quang" của họ tốt hơn. Có thể có những nghệ sĩ lấy việc từ thiện là động cơ để đánh bóng tên tuổi cũng không xấu, chỉ miễn sao đối tượng ban đầu là những người khó khăn, nghèo khổ được giúp đỡ là được.

Điểm chung của những nghệ sĩ làm từ thiện là cảm tính, xúc động là làm luôn mà không có tính toán về luật pháp, mặt trái phía sau.... Họ chưa có thói quen công khai, minh bạch chuyện từ thiện.

Một khi ai đó đã đứng ra nhận tiền từ thiện từ cộng đồng để đi giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt phải có trách nhiệm. Người nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm trả lời cộng đồng khi có dư luận nghi vấn chứ không phải là việc muốn làm hay không. Tiền họ nhận của những người cùng chung tay là để dành cho đồng báo chứ không phải cho riêng họ. Những người đứng ra kêu gọi nhận từ thiện về bản chất có thể nói chỉ như một nhân viên bưu điện, người nhận ủy thác từ cộng đồng để thay mặt chuyển những tấm lòng hảo tâm tới người cần giúp đỡ. Do đó, đương nhiên họ sẽ phải chịu giám sát, có trách nhiệm báo cáo, giải trình khi phát sinh yêu cầu cần minh bạch.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, việc nhiều người làm từ thiện thông qua người nổi tiếng là vị họ tin tưởng, thậm chí thần tượng họ. Thần tượng một ai đó là tâm lý của con người nhưng đừng nên thần thánh hóa họ trở thành tiêu chuẩn hoàn hảo và cũng đừng vô tư nhận định đã là thần tượng sẽ chẳng bao giờ làm gì sai.

Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, qua sự việc lùm xùm từ thiện, người cho không nên cảm tình đưa cho ai cũng được, còn người nhận thì cũng phải minh bạch. Với người nghệ sĩ để giữ được niềm tin từ phía người hâm mộ, chủ động minh bạch trong hoạt động của mình là điều cần thiết.

Người dân khi có chứng cứ, tài liệu về việc "ăn chặn" từ thiện nên trình báo cơ quan chức năng địa phương chứ đưa các thông tin bóc phốt, chửi bới nhau trên mạng sẽ tạo hệ lụy tiêu cực trong sinh hoạt mạng xã hội. Đặc biệt là giới trẻ sẽ tiếp cận mà bắt chước các ngôn từ, lời lẽ xấu xí, phản cảm của các bên. Sau những lùm xùm bóc phốt còn gây ra cuộc khủng hoảng lòng tin vào con người, mà hệ lụy chính là hoạt động vận động xã hội vào công tác từ thiện nhân đạo trở nên khó khăn hơn.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/sau-lum-xum-tu-thien-cua-cac-sao-viet-niem-tin-vao-than-tuong-dang-mat-di-20210908185312784.htm