Sau mở rào, quản thế nào để công viên không thành 'cái chợ'?

Công viên Thống Nhất là công viên lớn đầu tiên của Hà Nội tiến hành thí điểm dỡ bỏ rào chắn, chuyển sang mô hình mở, không thu vé. Sau 'mở rào', việc tiếp cận của người dân dễ hơn, nhưng cùng với đó, một số bất cập bắt đầu xuất hiện làm giảm chất lượng công viên. Đó là những bất cấp gì? Các cơ quan chức năng cần quản lý ra sao để không gian công cộng không bị biến thành 'cái chợ'?

Anh Trương Tiến Khoa, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tuần nào cũng đến công viên Thống Nhất cùng các con, vui chơi và tận hưởng không gian thoáng đãng. Anh cho biết, từ khi mở rào, du khách tấp nập và đông vui hơn hẳn:

"Trước anh đi thấy vắng lắm nhưng bây giờ đông hơn, nhộn nhịp hơn. Mỗi tội có nhược điểm ví dụ là người ta hay thả chó đi lung tung mà không rọ mõm, xe đạp phóng ầm ầm, hoặc người ta ngồi ăn ở vệ cỏ thì hay vứt rác".

Lượng khách đến công viên Thống Nhất tăng trên 20% sau khi mở rào. Người dân nhiệt tình hủng hộ chủ trương của Thành phố

Lượng khách đến công viên Thống Nhất tăng trên 20% sau khi mở rào. Người dân nhiệt tình hủng hộ chủ trương của Thành phố

Hàng rào công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông được dỡ bỏ từ ngày 22/12/2022 và không còn thu vé vào cửa. Người dân nhiệt tình đón nhận chủ trương này, tuy nhiên, tăng khả năng tiếp cận của người dân với không gian công cộng lại đi kèm gia tăng tình trạng lộn xộn:

"Một số người đi xe máy vào đây cũng ảnh hưởng mình tập thể dục".

"Hàng ăn uống cũng hơi lộn xộn, họ bày bán các thứ em thấy giống ngồi ở ngoài chợ".

"Thỉnh thoảng đi dọc đường này có mùi phân động vật, ngoài vấn đề đấy ra thì em thấy bình thường".

"Số người vào công viên có thể tăng gấp 4-5 lần ngày xưa. Ô tô tự lái cho trẻ em chạy khắp đường, rồi ô tô cũng gửi ở đây rất nhiều. Quản lý chặt chẽ hơn nữa thì chủ trương mở cửa công viên sẽ là một bước tiến".

Những đoàn tàu lăn bánh trở lại sau cả thập kỷ cùng tiếng cười nói của con trẻ

Những đoàn tàu lăn bánh trở lại sau cả thập kỷ cùng tiếng cười nói của con trẻ

Trao đổi với phóng viên, ông Ma Kiên Hán, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, lượng khách đến công viên tăng trên 20% sau khi mở rào, tuy nhiên doanh thu không tăng vì miễn phí vào cổng. “Bộ mặt” công viên thay đổi, người dân tập thể dục có trang phục lịch sự hơn, nhưng tình trạng chó thả rông, phóng uế, xe cộ đi lại,… vẫn tồn tại: "Chúng tôi đã điều chỉnh lại lực lượng bán vé cổng sang tăng cường cho lực lượng an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa. Thứ nhất là tuyên truyền, nhắc nhở người dân, tuy nhiên, biện pháp xử lý thì chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, về chế tài chúng tôi không có quyền xử phạt, chúng tôi chỉ có thể phối hợp với Công an phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành để thực hiện. Với thiết bị vui chơi cũ, chúng tôi đều có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo chất lượng".

Về việc tiếp tục mở rào các phía còn lại và chỉnh trang công viên, ông Ma Kiên Hán cho biết, Công ty đang phối hợp Viện Quy hoạch Xây dựng để xây dựng dự án và trình các cấp thẩm định, phê duyệt.

Trong đó, một “bài toán” khó là hạn chế các tệ nạn xã hội và ngăn chặn dòng phương tiện giao thông khi mở rào, đồng thời giải quyết sự chênh cốt giữa mặt đường và khuôn viên công viên (có nơi lên tới hơn 1m).

Tuy nhiên, việc mở rào mới chỉ thực hiện phía đường Trần Nhân Tông, các phía còn lại vẫn duy trì hàng rào bảo vệ

Tuy nhiên, việc mở rào mới chỉ thực hiện phía đường Trần Nhân Tông, các phía còn lại vẫn duy trì hàng rào bảo vệ

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đánh giá, việc chuyển sang mô hình công viên “mở” tại Hà Nội đáng nhẽ phải làm từ lâu, khi hầu hết công viên lớn tại TP.HCM đã mở rào cả chục năm nay, quản lý rất tốt và Hà Nội có thể học tập.

Theo ông Tiến, trước hết, Công viên Thống Nhất cần có quy hoạch chi tiết, làm cơ sở đầu tư xây dựng và quản lý: "Cần có quy hoạch chi tiết lại công viên, sắp xếp lại các khu chức năng làm sao cho hợp lý. Đầu tư ưu tiên, cái gì làm trước, cái gì làm sau, kêu gọi xã hội hóa như thế nào.

Có thể thay hàng rào cứng bằng hàng rào “mềm” bằng việc trồng cây, tăng cường nhiều chỗ ra vào để người dân dễ dàng tiếp cận. Những chỗ chênh độ cao giữa đường giao thông và công viên có thể làm bậc lên xuống.

Ba là sớm ban hành quy chế quản lý thực tiễn và khả thi. Thứ tư là tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào công tác quản lý. Thứ năm là tăng cường kiểm soát bằng camera, về đêm thì tăng cường ánh sáng, sắp xếp lại lực lượng bảo vệ để quản lý trật tự hơn".

Chó thả rông, không đeo rọ mõm, phóng uế gây mất vệ sinh môi trường là hình ảnh phổ biến

Chó thả rông, không đeo rọ mõm, phóng uế gây mất vệ sinh môi trường là hình ảnh phổ biến

Đồng tình với sự cần thiết của quy hoạch chi tiết công viên Thống Nhất, nhưng nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, việc mở rào thí điểm là vội vàng và nửa vời khi dự án cải tạo công viên chưa được thực hiện đầy đủ: "Khi chúng ta chưa có hạ tầng trong công viên hoàn chỉnh, chúng ta đã mở ra như thế thì tình trạng lộn xộn là điều dễ hiểu. Để giải quyết việc này thì chỉ bằng cách nhanh chóng thực hiện dự án đã có. Rất cần đơn vị chủ quản, hoặc Công viên Thống Nhất thuộc phường nào thì nên giao trách nhiệm cho phường đó, họ quản lý về trật tự, an toàn xã hội".

Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia đô thị, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, việc mở rào cần tiếp tục phát huy ở những công viên khác, để cộng đồng giám sát một cách rõ ràng, minh bạch và lên tiếng mạnh mẽ hơn, đặc biệt với các trường hợp chiếm dụng đất công và sử dụng không hiểu quả. Còn trước mắt, giải quyết trình trạng lộn xộn là trách nhiệm của công ty quản lý.

"Đây là một trong những công ty TNHH MTV thuộc Sở Xây dựng, là một đơn vị sự nghiệp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính cơ quan này. Các cấp quản lý khi được hưởng lương ngân sách thì không có cách nào khác phải hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nếu mô hình không phù hợp nữa thì Thành phố cũng cần thử nghiệm những mô hình quản lý khác. Tôi nói ví dụ như những công viên tư nhân, việc quản lý tốt hơn nhiều, thì đó là bài học về sự cạnh tranh", KTS. Trần Huy Ánh nói.

Hàng quán nhếch nhác trong công viên

Hàng quán nhếch nhác trong công viên

Chủ trương “mở rào” công viên lớn của Hà Nội với việc thí điểm tại công viên Thống Nhất đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban ngành các cấp, đặt lợi ích của người dân là trung tâm mọi hoạt động.

Tuy nhiên, với những bất cập hiện hữu, “bàn tay” quản lý cần được thể hiện rõ ràng hơn nữa để việc thí điểm không uổng phí, để những lần triển khai tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Khuôn viên đông nghịt du khách vào dịp cuối tuần là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của việc mở rào công viên Thống Nhất, dù có thể hơi muộn màng. Hoa và những tổ hợp trang trí được sơn sửa, chăm sóc; những đoàn tàu lăn bánh trở lại sau cả thập kỷ cùng tiếng cười nói của con trẻ;… công viên lớn nhất thủ đô thực sự “sống lại” như mong muốn của nhân dân và chỉ đạo của người đứng đầu Thành phố.

Tuy nhiên, công viên Thống Nhất cũng giống như nhiều địa điểm công cộng khác, khi người dân tiếp cận dễ dàng hơn thì những hình ảnh lộn xộn cũng xuất hiện nhiều hơn. Đó là tình trạng xả rác bừa bãi, nguy cơ mất an toàn và vệ sinh môi trường khi chó thả rông, không đeo rọ mõm, phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ.

Du khách đối mặt với nguy hiểm, còn những còn đường vốn đã hư hỏng sẽ còn tiếp tục nứt toác dưới những bánh xe, như thực tế “công viên lớn nhỏ thi nhau xuống cấp” mà VOV Giao thông đã từng phản ánh.

Phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ, khiến du khách đối mặt với nguy hiểm

Phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ, khiến du khách đối mặt với nguy hiểm

Đây là lúc “bàn tay” quản lý của các cơ quan có thẩm quyền cần được thể hiện rõ ràng hơn để không gian công cộng không bị biến thành “cái chợ”. Đầu tiên, như các chuyên gia đã phân tích, công ty chủ quản cần sớm hoàn thiện và thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp công viên, tiến tới mở rào hoàn toàn càng sớm càng tốt.

Trong đó, cần phân định rõ từng khu vực chức năng: bãi để xe, khu giải trí, khu vực nhà hàng dịch vụ,… tránh lộn xộn, nhếch nhác; đánh giá hoạt động thường xuyên và yêu cầu trả mặt bằng nếu sử dụng không hiệu quả.

Chú trọng quản lý việc xã hội hóa các dịch vụ để có thêm kinh phí đầu tư cho hoạt động của công viên, công khai, minh bạch để người dân giám sát, tránh thất thu, tiêu cực.

Các hạng mục cần sớm được sửa chữa, nâng cấp, như trò chơi: đu quay, tàu lượn,… để du khách không khỏi bất an với hình ảnh thiết bị rỉ sét. Một công trình rất thiết thực khác là hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng cần được tăng cường cả số lượng và chất lượng.

Du khách sẵn sàng trả phí để sử dụng dịch vụ chất lượng, nên việc duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ có thu phí hợp ý sẽ góp phần phục vụ tốt hơn và hạn chế tình trạng phóng uế bừa bãi.

Sau cơ sở hạ tầng thì việc duy trì lực lượng giám sát là vô cùng cần thiết để ngăn chặn vi phạm. Một công viên rộng tới 50ha mà chỉ có vài đồng chí công an phường đứng chốt, dăm ba nhân viên bảo vệ đi tuần tra, nhắc nhở thì việc xử lý vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Do vậy, cần tăng quân số, tăng mức đãi ngộ gắn với trách nhiệm cho nhân viên an ninh, lực lượng bảo vệ.

Nhiều hạng mục trò chơi như đu quay, tàu lượn,… đã rỉ sét

Nhiều hạng mục trò chơi như đu quay, tàu lượn,… đã rỉ sét

Thực tế, với những vi phạm như vứt rác, phóng uế, đi xe vào công viên, thả rông chó,… chỉ cần có nhân viên nhắc nhở chứ chưa cần xử phạt thì đa phần người dân sẽ chấp hành. Còn với những trường hợp cố tình vi phạm thì lực lượng bảo vệ cần phối hợp chính quyền địa phương để xử phạt nghiêm, tạo tính răn đe.

Bên cạnh lực lượng an ninh thì việc tăng cường các biển bảng chỉ dẫn cũng rất quan trọng. Những tấm biển tuyên truyền quy định pháp luật, các chế tài xử phạt được lắp đặt ở nhiều vị trí thay vì chỉ một vài biển bảng ở cổng vào như hiện nay, cộng với hệ thống camera theo dõi sẽ có tác động nhất định đến ý thức người dân.

Và cuối cùng, cần huy động thêm nguồn sức mạnh to lớn từ cộng đồng trong công tác kiểm tra, giám sát, cả hoạt động của du khách lẫn cơ quan quản lý, vận động người dân vượt qua tâm lý ngại va chạm để cùng lên tiếng trước các hành vi vi phạm, hoặc phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền.

Những kênh tiếp nhận phản ánh cần được công bố rộng rãi ở nhiều vị trí để người dân nắm bắt, có đội ngũ thường trực tiếp nhận thông tin và chuyển sang đơn vị chức năng kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm.

Chỉ khi cơ quan quản lý có trách nhiệm và cộng đồng cùng chung tay xây dựng thì hoạt động tại không gian công cộng mới đi vào nền nếp và người dân yên tâm thụ hưởng./.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sau-mo-rao-quan-the-nao-de-cong-vien-khong-thanh-cai-cho-post1005652.vov