Sau mở rộng, thành phố Huế sẽ như thế nào?
Đô thị Huế mở rộng bao gồm thành phố Huế hiện hữu và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang.
Sáng 24/4, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, Ủy ban Pháp luật Quốc hội vừa tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 35 tại thành phố Huế nhằm thẩm tra đề án của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố này
Theo đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu với diện tích 70,67km² và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang; với tổng diện tích khoảng 266,06km².
Như vậy, TP Huế trong tương lai sẽ rộng gấp 4 lần TP Huế hiện tại. Ngoài ra, sau khi sắp xếp, sáp nhập, thành phố Huế có 36 đơn vị hành chính (29 phường, 7 xã).
Việc thành lập các phường đảm bảo cơ cấu nội, ngoại thành của thành phố Huế trong tương lai; từng bước phát triển đô thị Huế theo mục tiêu và tính chất theo Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội sau khi mở rộng địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.
Đoàn công tác thuộc Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng tán thành phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế như đã nêu ở tờ trình; cơ bản tán thành với phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo đề án.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đề án mở rộng địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế là sự cần thiết, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, là bước quan trọng phát triển vùng lõi để xây dựng TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.
Nếu đề án được thông qua, thành phố Huế được mở rộng sẽ khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của Huế, là cơ hội để phát triển nhanh và toàn diện trong thời gian tới; xứng tầm là đô thị hạt nhân, một cực phát triển của vùng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-mo-rong-thanh-pho-hue-se-nhu-the-nao-post1330681.tpo