Sau một năm kinh doanh lao dốc cùng khối nợ gần 3.000 tỷ đồng, TTC Land tiếp tục cài số lùi lợi nhuận, năm thứ 12 liên tiếp không chia cổ tức bằng tiền
Năm 2023 vừa qua, TTC Land ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 58% và 79% so với cùng kỳ. Kinh doanh lao dốc, TTC Land còn gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm kỷ lục gần 1.600 tỷ đồng.
Lợi nhuận đi lùi
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã SCR) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 dự kiến diễn ra ngày 23/4 tại TP. HCM với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh, cổ tức,…
Tại Đại hội, TTC Land sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 705 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến lại giảm 2,4% so với năm 2023 xuống mức 16 tỷ đồng.
Trong năm 2024, TTC Land sẽ tập trung công tác bán hàng và nghiên cứu các chiến lược kinh doanh các dự án trọng điểm như TTC Plaza Đà Nẵng, Panomax River Villas, Selavia Phú Quốc… Tầm nhìn đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại khu vực thị trường phía Nam.
Năm 2023 vừa qua, TTC Land ghi nhận doanh thu đạt 371,2 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 16,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 79% so với năm trước. Với kết quả này, công ty đã không hoàn thành kế hoạch cả năm khi mới thực hiện được 69% chỉ tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận.
Với lý do tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn, TTC Land tiếp tục trình cổ đông không trả cổ tức. Lần gần nhất cổ đông công ty được nhận cổ tức là năm 2021 với tỷ lệ 8% bằng cổ phiếu. Từ năm 2011 tới nay, chưa năm nào TTC Land trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Dòng tiền âm kỷ lục, nợ vay tăng hơn nghìn tỷ
Kinh doanh lao dốc, TTC Land còn gặp vấn đề lớn với dòng tiền. Năm 2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm kỷ lục gần 1.600 tỷ đồng, con số này cùng kỳ năm trước là âm 630 tỷ đồng. Để bù đắp dòng tiền thiếu hụt, TTC Land phải gia tăng nợ vay. Tổng nợ vay tài chính của công ty đã tăng 56,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.085 tỷ, lên 2.994 tỷ đồng.
Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của TTC Land đã tăng 9,7% so với đầu năm, lên 10.631 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 3.664 tỷ đồng, chiếm 34,5%; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.569 tỷ đồng, chiếm 33,6%; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 903 tỷ đồng, chiếm 8,5%; bất động sản đầu tư ghi nhận 857 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng tài sản,..
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho tăng 32% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 888 tỷ, lên 3.664 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 588 tỷ, lên 3.569 tỷ đồng… Đây là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của TTC Land âm kỷ lục trong năm vừa qua.
Đáng chú ý, trong khi dòng tiền kinh doanh âm nặng và phải gánh khoản nợ vay đến gần 3.000 tỷ đồng, TTC Land lại mang đến gần 1.300 tỷ đồng cho vay, chiếm hơn 12% tổng tài sản. Trong đó, dư nợ cho vay các bên liên quan là 986 tỷ đồng trong khi cho vay các bên khác gần 301 tỷ đồng. Khoản cho vay các bên khác là các khoản cho vay tín chấp ngắn hạn với lãi suất dao động từ 10% đến 14,6%/năm.