Sau mưa lũ, đề phòng mắc viêm gan E
Viêm gan virus E là một bệnh lây lan qua thức ăn, nước uống và có liên quan mật thiết với môi trường sống chung quanh chúng ta, đặc biệt, bệnh dễ lây lan trong mùa mưa lũ. Vì vậy, khi môi trường xung quanh chúng ta không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong và sau lũ lụt thì khả năng mắc bệnh viêm gan E của người dân sống trong các vùng đó rất dễ xảy ra.
Đặc điểm của bệnh viêm gan E
Viêm gan E là bệnh viêm gan do virus viêm gan E gây ra. Virus viêm gan E là loại virus chuỗi đơn ARN, hiện đã tìm ra 8 kiểu gen chính. Kiểu gene 1 và 2 là chủ yếu gây bệnh ở người; kiểu gene 3 và 4 gây nhiễm ở một số động vật như lợn nhà, lợn rừng, nai và có thể lây sang người; kiểu gen 5 và 6 chủ yếu mới được phát hiện ở lợn rừng, kiểu gene 7 và 8 tìm thấy trên cả người và lạc đà.
Bệnh viêm gan E chủ yếu lây qua đường phân - miệng. Virus viêm gan E được đào thải qua đường phân của người hoặc động vật bị nhiễm, sau đó qua đường nước uống, đồ ăn bị nhiễm mầm bệnh không được nấu chín lây cho người bệnh khác.
Bệnh viêm gan E có thể gặp ở bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là các nước vùng nhiệt đới, đặc biệt là những nước vệ sinh môi trường kém, mưa, lũ thường hay xảy ra. Lý do là virus viêm gan E có trong phân, rác, nước thải khi mưa lũ về làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virusviêm gan A, E. Virus viêm gan E được đưa đến nhiều vùng dọc theo triền sông.
Từ nước, virus bám vào thức ăn như rau, thực phẩm (do dùng nước sông, ao hồ để rửa), nước uống. Khi con người ăn, uống phải loại thức ăn, nước uống đó sẽ mắc bệnh. Tuy vậy, mắc bệnh viêm gan E chỉ chiếm một tỷ lệ dưới 10%, nhưng điều đáng nói ở đây là bệnh dễ trở thành ác tính, có tỷ lệ tử vong khoảng 0,5 - 4%.
Virus viêm gan E có nhược điểm là sức đề kháng rất kém khi ra bên ngoài môi trường, chỉ cần đun sôi trong vòng từ 1 - 2 phút là có khả năng tiêu diệt được chúng. Đây là một đặc điểm rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh.
Các con đường khác có thể lây nhiễm nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ bao gồm: Ăn thịt hoặc sản phẩm làm từ thịt sống hoặc không được nấu chín lấy từ động vật bị nhiễm. Truyền máu, chế phẩm máu của người đang bị viêm gan E cho người khác. Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.
Biểu hiện của bệnh
Thời gian ủ bệnh khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau khi virus xâm nhập cơ thể. Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau mỏi toàn thân làm cho nhầm tưởng là cảm cúm. Thời kỳ toàn phát: là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc trắng như phân cò, sau đó xuất hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng lâm râm, buồn nôn, nôn, chán ăn, có thể bị tiêu chảy.
Trong giai đoạn khởi đầu và toàn phát, men gan thường tăng cao, sắc tố mật trong máu cũng tăng cao, đặc biệt là thời kỳ có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân bạc màu. Siêu âm gan sẽ phát hiện được những thay đổi về gan (như kích thước to, đường mật trong gan giãn...).
Chữa trị bệnh viêm gan E
thế nào?
Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus đặc hiệu với viêm gan E cấp, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, tránh dùng các thuốc có thể gây tổn thương gan. Ribavarin và corticoid đã được sử dụng trên một số các ca bệnh, nhất là các ca có biểu hiện ngoài gan cho thấy có kết quả tốt. Một số trường hợp khác sử dụng interferon trong trường hợp mạn tính cũng cho thấy có hiệu quả. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về các liệu pháp điều trị này.
Cách phòng bệnh viêm gan E
Bệnh viêm gan virus E liên quan mật thiết với vệ sinh môi trường, đặc biệt là sau lũ lụt. Do vậy, phòng bệnh viêm gan E cũng bao hàm cả phòng bệnh viêm gan A, chỉ khác là đối với bệnh viêm gan E hiện nay chưa có vắc-xin dự phòng. Do vậy, cần vệ sinh môi trường sống thật tốt, đặc biệt là trước, trong và sau mưa lũ; Cần có biện pháp quản lý phân và chất thải sau mưa lũ, đặc biệt là các huyện miền núi, các vùng triền sông hay có lũ, lụt.
Song song với quản lý phân và chất thải thì xử lý nguồn nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nguồn nước là ổ chứa vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan A và E. Vì vậy, sau lũ lụt cũng như định kỳ cần thau rửa giếng khơi. Các nguồn nước ứ đọng như ao, hồ, cống rãnh cần được khơi thông. Cần có biện pháp khử khuẩn bằng cloramin đúng phương pháp (dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế); Không nên rửa rau, thực phẩm ở các sông, suối, ao, hồ không hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, kể cả nước đá mà nguồn nước dùng chưa tiệt khuẩn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-mua-lu-de-phong-mac-viem-gan-e-n182518.html