Sáu năm, đã giảm được bao nhiêu lãnh đạo cấp phó?
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, báo cáo của Chính phủ mới đưa ra các số liệu ước tính về số lượng cấp phó mà các cơ quan ở trung ương và địa phương phải cắt giảm trong thời gian tới, chưa có số liệu đã giảm.
Từ năm 2017, Quốc hội yêu cầu giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ "hàm" lãnh đạo, quản lý, nhưng đến nay, chưa rõ kết quả cụ thể.
Tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10 tới đây, bên cạnh việc việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội còn xem xét cả việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Một trong số đó là Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc chung, bộ, cơ quan ngang bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng lãnh đạo cấp phó và người giữ "hàm" lãnh đạo, quản lý; sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc hoặc đã phân cấp cho địa phương quản lý.
Báo cáo nội dung này gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2023, Chính phủ cho biết đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ, 7 sở và 2.159 phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện.
Đối với các tổ chức phối hợp liên ngành, đã giảm được 17 tổ chức so với thời điểm 31/12/2021.
Với số lượng cấp phó của tổ chức hành chính thì số liệu không cụ thể như vậy.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (người thừa ủy quyền ký báo cáo) nêu: “Căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính, sau khi sắp xếp tổ chức của các bộ, ngành sẽ phải thực hiện giảm theo lộ trình đối với 61 lãnh đạo cấp tổng cục (14 tổng cục trưởng và 47 phó tổng cục trưởng), 17 lãnh đạo cấp cục thuộc bộ, 63 lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, 404 lãnh đạo cấp cục, vụ thuộc tổng cục”.
Bà Trà cũng cho hay, đối với các tổ chức do sáp nhập, hợp nhất làm tăng số lượng cấp phó sẽ phải sắp xếp theo lộ trình quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Tương tự, đối với các địa phương báo cáo cũng không có con số nào cụ thể về số lượng cấp phó đã giảm và sẽ phải giảm.
Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét, các số liệu thể hiện trong báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, đồng bộ và thống nhất về thời điểm.
Cụ thể là số liệu về số lượng tổng cục, cục, vụ ở trung ương giảm được không rõ được thống kê từ thời điểm nào; số liệu về số lượng sở, phòng giảm được ở cấp tỉnh, cấp huyện được thống kê từ thời điểm sau khi ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020. Số liệu về số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành đã giảm được tính từ thời điểm ngày 31/12/2021.
Cách làm này dẫn đến khó đánh giá một cách tổng quát về hiệu quả, không thể hiện được đầy đủ, toàn diện quá trình thực hiện các yêu cầu của Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nhất là từ sau khi Quốc hội giám sát lại năm 2020 đến nay.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, báo cáo của Chính phủ mới chỉ cung cấp số liệu về số lượng tổ chức hành chính đã giảm được mà chưa có nội dung đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua”, báo cáo thẩm tra nêu.
Cơ quan thẩm tra chỉ rõ, Nghị quyết số 56 còn giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như “rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận”, “điều chỉnh hợp lý ngành, lĩnh vực quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”, “không chuyển các vụ thành cục, tổng cục”, “làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng mô hình tổ chức như của các Bộ”...
Tuy nhiên, kết quả thực hiện các yêu cầu này chưa được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ.
Về số lượng cấp phó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ mới đưa ra các số liệu ước tính về số lượng cấp phó mà các cơ quan ở trung ương và địa phương phải cắt giảm trong thời gian tới, chưa có số liệu cụ thể về số lượng cấp phó đã giảm được trong thời gian từ khi ban hành Nghị quyết số 56 đến nay. Do đó, chưa có cơ sở để đánh giá về kết quả, hiệu quả của việc giảm số lượng lãnh đạo cấp phó theo yêu cầu của Nghị quyết số 56.
Bên cạnh vấn đề giảm số lượng lãnh đạo cấp phó, Nghị quyết 56 còn đặt ra yêu cầu giảm số lượng người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, nội dung này không được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-nam-da-giam-duoc-bao-nhieu-lanh-dao-cap-pho-d199282.html