Sâu nặng nghĩa tình
PTĐT - 'Tôi giờ còn sướng hơn những người có con cháu, bởi ăn mặc có bộ đội ở Đồn Biên phòng Bình Hải lo, giặt giũ có bà con hàng xóm.
PTĐT - “Tôi giờ còn sướng hơn những người có con cháu, bởi ăn mặc có bộ đội ở Đồn Biên phòng Bình Hải lo, giặt giũ có bà con hàng xóm. Tôi mong trời phù hộ, sống vui vẻ với các cháu bộ đội”. Cụ bà Nguyễn Thị Diên, 92 tuổi, ở thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rưng rưng xúc động bộc bạch với tôi khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi nhận nuôi dưỡng suốt đời.
Nỗi lòng của cụ Diên kết nối cho câu chuyện đầy tình nghĩa tại một địa phương nghèo trên địa bàn khu vực biên giới biển của huyện Bình Sơn. Hơn 3 tháng qua, cụ Diên đón nhận sự chăm sóc bằng tất cả tấm lòng tri ân, thiện nguyện của những người lính mang quân hàm xanh dành cho những người gắn bó máu thịt với mình ở nơi biên giới.
Nằm sâu trong con hẻm nơi xóm chợ thôn An Cường, căn nhà Đại đoàn kết của cụ Diên thường ngày vốn trống vắng, lạnh lẽo, ít người đến thăm nom, nhưng hôm nay bỗng ấm áp, vui vẻ bởi sự xuất hiện của những người lính Đồn Biên phòng Bình Hải. Tiếng bước chân đi lại dọn dẹp các vật dụng bừa bộn trong nhà, tiếng nói cười động viên thăm hỏi làm cụ Diên sống lại những tháng năm gia đình cụ còn đầm ấm, hạnh phúc. Vui hơn nữa là từ nay cụ Diên không phải sống trong cảnh tuổi già hẩm hiu, bữa đói, bữa no mà thay vào đó, cụ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải nuôi dưỡng suốt đời. Ngồi vỗ về lắng nghe lời cụ Diên như chính mẹ ruột mình, Đại úy Trần Thế Vinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Hải bảo rằng những lời chia sẻ ấy chẳng thể làm nguôi ngoai nỗi buồn trong quá khứ, nhưng ít ra cũng khiến cụ ấm lòng. “Gần như lần nào chúng tôi đến, cụ Diên cũng ngồi chờ. Biết bao nhiêu bù đắp cho đủ. Mình thế hệ sau cứ cố gắng từng việc nhỏ nhất bù đắp cho sự thiếu thốn của người dân, mà cụ thể là cụ Diên, góp phần xây dựng biên giới lòng dân thêm vững chắc” - Đại úy Vinh trải lòng.Bên hiên nhà nhìn ra phía trước biển. Đất nước thanh bình hiện diện bằng trời yên, biển lặng, tôm cá đầy ghe, cuộc sống nhân dân làng chài no đủ. Nhớ lại những ngày đã qua, cụ Diên kể lại câu chuyện đầy khốn khó của gia đình mình: “Tôi sinh ra ở xã Bình Hòa - một địa phương gắn liền với chiến thắng Vạn Tường lịch sử. Năm 1965, giữa lúc những cuộc chiến của quân và dân trên mảnh đất Vạn Tường anh hùng đang còn diễn ra ác liệt, tôi theo chồng về xã Bình Hải sinh sống và bám trụ đến ngày đất nước thống nhất. Là cư dân ở bãi ngang ven biển, không tàu thuyền, không đất đai, phương kế sinh nhai dựa vào vài tấm lưới chồng tôi mang ra biển hằng ngày”. Được biết, gia đình cụ Diên luôn được “xếp hạng” hộ nghèo ở địa phương. Số phận người phụ nữ miền biển bất hạnh khi ba lần sinh, thì ba người con của cụ đều sớm “lìa trần” bởi bệnh tật. Đất nước đổi mới chưa lâu, năm 1988, người thân còn lại duy nhất là chồng cụ cũng qua đời. Khó khăn đè nặng trên đôi vai người phụ nữ góa bụa, cụ sống lầm lũi trong nghèo túng với tuổi già cô đơn. “Không con cháu, người thân chăm sóc, phụng dưỡng, cuộc sống bấp bênh, tinh thần tôi suy sụp, sức khỏe ngày càng yếu đi. Thương tôi hoàn cảnh hẩm hiu, bà con chòm xóm mang cho lúc thì lon gạo, nắm rau, khi thì chén cơm, con cá... Khỏe thì ăn vài miếng, còn không thì để ôi thiu, nấm mốc” - Cụ Diên bộc bạch.
Kể đến đây, ánh mắt cụ chứa chan, Đại úy Vinh lái sang chuyện khác tránh cảm xúc ùa về khiến cụ mệt hơn. Đỡ cụ vào nhà nghỉ ngơi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Hải gọi quân y đến thăm khám kiểm tra sức khỏe. Thấy huyết áp cao, y sĩ Nguyễn Anh Tuấn vội lấy thuốc cho cụ uống rồi cấp thuốc cho cụ dùng trong một tháng tới. Cụ Diên xem y sĩ Tuấn như con, từ ngày có anh thăm khám thường xuyên, bệnh tình của cụ đỡ hơn hẳn. Đóng quân trên mảnh đất Vạn Tường anh hùng, Đồn Biên phòng Bình Hải như chiếc mỏ neo kết nối và giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Chẳng ai yêu cầu việc nhận nuôi dưỡng người già, mua sách, vở tặng học sinh nghèo, chia sẻ nước sinh hoạt cho nhân dân vùng khô hạn... Mà chính xuất phát từ tấm lòng, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải. Sự đoàn kết đồng lòng từ cán bộ chỉ huy cho đến người chiến sĩ đã tạo ra những hành động thiết thực, việc làm nghĩa tình. Binh nhất Nguyễn Hồng Thạch - người được đơn vị giao nhiệm vụ đưa cơm cho cụ Diên bộc bạch: “Những biến cố, khó khăn mà cụ đã trải qua không thể xóa đi, nhưng yêu thương có thể khiến cụ thấy ấm áp, hạnh phúc hơn. Khi được đơn vị giao nhiệm vụ, hằng ngày, tôi mang cơm cho cụ ăn, giúp cụ dọn dẹp nhà cửa thêm ấm áp. Người già có thể họ không sợ chết, nhưng họ sợ cô đơn nên trong lúc cụ ăn, tôi ngồi bên cạnh an ủi, động viên”. Cụ Nguyễn Thị Diên phấn chấn thổ lộ: “Nhờ BĐBP mà cuộc sống của tôi giờ đây không còn khổ nữa. Ngày 2 bữa, các cháu mang cơm, canh cho tôi, ăn thấy ngon lắm. Mấy hôm này trời lạnh có bộ chăn bộ đội đắp ấm hơn nhiều. Bộ đội giúp, bà con chòm xóm giúp, tôi còn sướng hơn người có chồng, có con, cháu ạ”.Chiều tháng Giêng se lạnh, đắp tấm chăn màu xanh cỏ úa, cụ Diên cảm nhận được tình cảm ấm áp của những người lính mang quân hàm xanh dành cho mình và bà con ở làng biển An Cường, xã Bình Hải. Lòng nhân ái ấy đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân và họ cùng với người lính Biên phòng luôn một lòng đoàn kết cùng xây dựng biên cương ngày càng vững mạnh, đời sống ấm no, hạnh phúc.