Sâu nặng tình mẹ

Từ bé, tôi nhận ra quan hệ giữa mẹ và bố không được tốt. Ở nhà, sắc mặt mẹ lạnh băng, rất ít khi thấy mẹ và bố nói chuyện với nhau, cũng ít khi bố mẹ cùng con cái dắt nhau dạo bộ lúc trời xế chiều.

Thấy những đứa trẻ cùng trang lứa thường được bố mẹ chiều chuộng thì lúc nhỏ, cảm giác cô đơn luôn thường trực trong tôi.

Khi không có bố ở nhà, mẹ thường hỏi tôi rằng, nếu bố và mẹ xa nhau thì tôi muốn ở cùng ai. Và tôi đã quả quyết trả lời rằng, theo bố. Bấy giờ, bố đối xử với tôi tốt hơn mẹ. Bất kể nơi đâu, có thứ gì ngon, bố đều mua cho tôi. Còn mẹ chỉ bắt tôi học hành, còn mua đàn điện tử bắt tôi phải học. Tôi bấy giờ ghét cay ghét đắng mấy mớ sách vở và những thứ như đàn, họa, cho nên mỗi khi ra khỏi nhà, tôi thường bám lấy bố, cho dù mẹ có nói thế nào đi chăng nữa tôi cũng giả vờ không nghe thấy.

Ở nhà, mẹ thường bắt tôi học chữ, học vẽ và đàn, tôi vô cùng chán nản, tìm mọi cách để trốn học. Mỗi khi mẹ dùng roi mây, tôi lại bám lấy bố để bố che chở. “Con nó còn nhỏ, đừng bắt con làm gì con nó không thích”. Một câu bênh vực của bố thường dẫn đến cuộc cãi vã giữa bố và mẹ, còn tôi phải gạt lệ, đi thực hiện nhiệm vụ mà mẹ sắp sẵn.

Tôi nghĩ, tôi không có niềm vui cũng tại mẹ tất cả. Trong trái tim nhỏ nhoi của tôi, mẹ hồ như là kẻ thù không đội trời chung.

Nhưng thật không may, khi tôi vừa vào học tiểu học, bố đột nhiên lâm bệnh, qua đời, khiến tôi không ăn, không uống, chỉ khóc suốt một ngày. Không còn bố, tôi quả nhiên không nhận được điều gì tốt lành, mà thường ngày phải chịu sự trách móc và trừng phạt của mẹ. Mẹ cũng không bao giờ mua thứ ngon cho tôi, càng không cho tôi một chút tiền lẻ nào để tiêu vặt.

Sau khi bố mất, tôi dường như trưởng thành hơn, vốn đã trầm tính nay lại càng ít nói hơn, nhưng trong tim tôi luôn chứa chất nỗi bi thương và hận thù. Trong giờ học, vì luôn nghĩ tới cái chết của bố, tôi thường để tâm hồn treo ngược cành cây.

Thường ngày, tôi cố ý tránh gặp mẹ, không chủ động nói chuyện với mẹ.

Mẹ là một giáo viên tiểu học, tôi theo học trường mẹ. Điều này khiến nhất cử nhất động của tôi không thể qua mắt được mẹ. Cô Lý chủ nhiệm lại là người thích buôn chuyện, chỉ cần một hành vi nhỏ của tôi thôi thì ngay lập tức bị mẹ phát hiện và trừng phạt. Ở trên lớp, chỉ cần tôi vi phạm kỷ luật hay làm bài tập không đầy đủ, mẹ đều biết hết. Mỗi lần như vậy, mẹ đều khóc và trách mắng tôi thậm tệ, sau đó phạt tôi không được ăn cơm. Đã nhiều lần như thế nên tôi cũng quen. Tôi hận mẹ đến tận xương tủy.

Có một lần, trong giờ kiểm tra, tôi đã giở sách xem trộm và bị giám thị bắt được. Việc này đương nhiên đến tai mẹ. Khi về nhà, mẹ liền đẩy tôi ra khỏi cửa: “Tối nay con đứng đó, suy nghĩ về những việc mình đã làm”. Tôi nghĩ mẹ chỉ hù dọa thôi, nhưng không ngờ đứng ngoài trời tới 12 giờ đêm mà mẹ vẫn chưa mở cửa. Tôi nghĩ, đi tìm bạn học, nhưng cánh cửa nhà chung cư đã khóa, tôi mới biết mẹ đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó với tôi, bởi vì cửa sắt chưa từng bị khóa bao giờ, tôi đành trở lại vị trí cũ, trong lòng nguyền rủa người đàn bà trong căn hộ kia. Tôi nghĩ, khi mình lớn lên, người đầu tiên tôi muốn phục thù chính là người đàn bà ấy.

Sau đó, mệt chùng da mắt, tôi ngồi cạnh cửa nhà và thiếp đi lúc nào không biết. Hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi phát hiện mình đã nằm ở trên giường. Trong nhà không có bóng dáng của mẹ. Đó là một ngày chủ nhật, mẹ không phải đi làm, tôi cũng không biết bà đi đâu. Bụng đói cồn cào, tôi bèn đi tìm thức ăn. Vào trong nhà bếp, nồi cơm điện vẫn sáng đèn, mở ra xem, hơi bốc lên nghi ngút. Tôi ăn ngấu ăn nghiến. Sau khi no bụng, thấy trong nồi còn chút cơm thừa, tôi đột nhiên nghĩ ra một kế để trả thù mẹ: Đem chút cơm thừa đổ vào sọt rác, mẹ phạt không cho tôi ăn cơm thì tôi cũng cho mẹ nhịn luôn cả cơm trưa.

Vào giữa trưa mẹ về nhà, đẩy chiếc xe đạp mới tinh vào nhà trong, mẹ thở dốc. “Ăn cơm chưa con?”. Mẹ nhẹ nhàng hỏi, dường như bà đã quên hết những gì xảy ra đêm qua. Tôi không trả lời, quay ngoắt vào phòng riêng của mình.

Mẹ vào theo. “Con, chiếc xe này có đẹp không?”-mẹ lấy lòng tôi, hỏi.

Tôi vẫn không thèm bắt mồi.

Mẹ bỏ qua tất cả, chỉ nghe bà nói: “Đây là mẹ mua cho con đấy, nhưng con phải học giỏi, không được quay cóp nữa”.

“Con không thèm”-tôi lớn tiếng hét lên.

“Con vì mẹ mà học hành cho tử tế được không?”-mẹ khóc, nói.

Chán chết! Bà độc ác vậy còn khóc lóc gì nữa, tôi cười trên nước mắt mẹ. Từ ngày đó trở đi, mẹ không còn phạt nặng tôi nữa, nhưng sự hận thù của tôi đối với mẹ vẫn không lay chuyển.

Bố mất không lâu sau, một số cô dì chú bác sang nhà tôi, nói với mẹ về chuyện gì đó mà có vẻ bí mật. Một lần, tôi nghe được tiếng mẹ tiễn khách ngoài cửa, nói rằng: “Cảm ơn bà, tôi còn chưa muốn tái giá”.

Sau đó khoảng một năm, mẹ nói với tôi, muốn tìm cho tôi một ông bố. “Con không muốn, con muốn bố trước kia”, tôi gào lên. Sau đó, mỗi lần thấy cô dì chú bác đến thăm, nói chuyện với mẹ, tôi đều không khách sáo gì, đuổi họ ra khỏi cửa.

Thời gian đó, mẹ vừa sinh nhật 30 tuổi, các cô giáo trong trường đùa tôi: “Mẹ em là cô giáo đẹp nhất trường!”. Đúng vậy, mẹ rất xinh đẹp, trông còn rất trẻ, nhưng tôi không thích.

Một ngày cuối tuần, mẹ dẫn một người đàn ông lạ về nhà, thấy vẻ thân mật nên tôi cảm thấy khó chịu. Mẹ bảo tôi gọi người đàn ông là chú Dương, tôi chỉ "hừ" lên một tiếng rồi quay ngoắt đi. Lúc ăn cơm, mẹ gắp cho người đàn ông kia miếng đùi gà to, tôi liền dùng đũa cố ý đập miếng thịt rơi xuống nền nhà, sau đó liền ăn ngay một cái tát của mẹ. Tôi không khóc, chỉ vứt bát đũa sang một bên, chạy thốc ra ngoài cổng đến nhà ông bà nội.

Nghe tiếng tôi khóc, bà nội căm hận nói: "Tên họ Dương kia thật đểu giả. Nếu không có nó, bố cháu cũng không đi sớm như vậy"-nói xong, bà cũng khóc thút thít.

Nghe bà kể lể, tôi dường như hiểu ra tại sao mẹ lại không thích bố và tôi. Từ đó, kẻ thù lớn nhất của tôi là gã họ Dương. Tôi nghĩ, một ngày nào đó sẽ dùng dao đâm cho gã họ Dương một nhát. Nhưng, họ Dương kia cũng từ hôm ấy không thấy vác mặt đến nhà tôi nữa nên tôi cũng không có cơ hội ra tay.

Vì họ Dương kia mà tôi càng hận mẹ. Một lần, cô giáo dạy Ngữ văn cho tập viết văn với chủ đề “Bố mẹ tôi”. “Bố tôi mất rồi, mẹ cũng chết rồi, tôi không còn bố mẹ nữa”. Bài văn nộp không lâu, cô giáo tìm tôi và hỏi sao lại viết như vậy, mẹ tôi xem xong liền ngất đi. Trong lòng tôi nghĩ, cái chết của bố là do mẹ cả.

Tối về nhà, tôi thấy mắt mẹ sưng húp vì khóc, trong thâm tâm tôi lại thầm mừng vui, cho dù bề ngoài coi như không có gì xảy ra. Tối hôm ấy, mẹ vỗ vai tôi nói: "Con! Mẹ không muốn tìm cho con người bố nữa, hai mẹ con sống có nhau là được rồi". Vừa nói, trong mắt mẹ ánh lên hai dòng lệ ướt, rơi trên đôi má hồng. Tim tôi bỗng nhiên quặn thắt, tôi gật đầu im lặng. Sau đó, không còn người lạ tìm đến nhà tôi nữa. Nhưng nhiều lần đêm khuya, tôi nửa đêm thức giấc thấy mẹ ngồi bên bàn sách viết lách gì đó, nhìn ra ngoài khung cửa ngẩn ngơ người. Phát hiện tôi tỉnh giấc, mẹ bèn đem thứ gì đó cất vào trong ngăn kéo. Ban ngày tôi không thấy mẹ mở ngăn kéo ra xem, không biết trong đó cất giấu thứ gì, tôi tò mò muốn biết. Có vài lần tôi hỏi mẹ trong ngăn kéo kia đựng thứ gì, mẹ nói: “Trẻ con không cần biết nhiều như vậy, làm bài tập của con đi!”.

Theo tuổi lớn dần, tôi không còn ham ăn, ham chơi nữa, mẹ cũng không “ác” với tôi nữa. Thời gian trôi đi, tôi đã quen với cuộc sống mà không có bố, tôi cũng không còn hận mẹ như trước nữa. Hồi đại học năm thứ tư, một hôm, tôi nhận được điện thoại từ hiệu trưởng trường mẹ tôi gọi đến, nói tôi về nhà gấp, mẹ tôi bệnh nặng nằm viện. Khi tôi về tới nhà, thấy nhà cửa ngổn ngang. Tôi bèn dọn dẹp, tình cờ chiếc ngăn kéo mở, tôi hiếu kỳ lại xem thấy ngoài quyển nhật ký không có gì khác nữa. Bí mật của mẹ chính là chuyện tình cảm. Tôi đọc qua nhật ký, mới biết cuộc đời nhiều đắng cay của mẹ. Người yêu của mẹ vốn là người họ Dương, mẹ bị ép duyên lấy bố, nhưng người họ Dương vẫn cam chịu độc thân. Sau khi bố mất, tưởng rằng ông trời tác hợp duyên cũ, nhưng chỉ vì có tôi mà mẹ cũng đành chịu...

“Dương, em hiểu anh bao nhiêu năm chờ đợi, nhưng anh có biết em khó khăn thế nào không? Em hiểu con nhỏ, nó yêu bố một tình yêu sâu đậm, đến nỗi không thể tiếp nhận bất kỳ ai khác. Anh cũng hiểu rõ tình yêu của em dành cho anh, nhưng trước tiên em là mẹ đứa bé, phải lo cho con, không thể vì hạnh phúc cá nhân mà hủy hoại hạnh phúc của con cái. Hãy đợi, hãy đợi thêm vài năm nữa thôi, khi con trưởng thành, có thể tự lực cánh sinh, thì chúng ta... Dương. Hãy tin em, Dương, trái tim em mãi mãi thuộc về anh!...”.

Tim tôi run rẩy, muốn ngay lập tức gặp mẹ. Vừa vào phòng bệnh gặp ngay người họ Dương, không, chú Dương, đang ngồi bên giường bệnh của mẹ. Chú Dương nói, mẹ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Trong lễ truy điệu mẹ, cô giáo Lý nói với tôi: “Mẹ em bị ung thư dạ dày cũng vì em cả”. “Vì em?”. “Đúng, vì em. Hồi tiểu học, mỗi lần mẹ em phạt em không ăn cơm thì mẹ em cũng nhịn ăn, mẹ em nói ăn cũng vô vị. Sau mỗi lần phạt, mẹ đều gửi mì tôm và đồ hộp cho em, bà nói phạt thì phạt nhưng không được ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ”.

“Ôi, mẹ!”. Chưa đợi cô Lý nói hết lời, tim tôi quặn thắt, khóc nức nở.

Truyện ngắn của BA SƠN (Trung Quốc) PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/sau-nang-tinh-me-606791