Sau ngũ cốc, thịt gà Ukraine lại 'đe dọa' các nhà sản xuất EU

Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp thịt gà Anvol (Pháp), ông Jean-Michel Schaeffer, nói với Le Figaro hôm thứ Tư rằng người chăn nuôi gia cầm ở quốc gia này đang bị thiệt hại do 'cạnh tranh không lành mạnh' với các nhà sản xuất Ukraine.

Ông phàn nàn rằng làn sóng gia cầm giá rẻ của Ukraine đang tấn công các nhà sản xuất địa phương, vốn thường là hoạt động kinh doanh gia đình ở Pháp và nhiều nước EU khác.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Ukraine lại thuộc một “loại” khác. Ông Schaeffer nhấn mạnh, lợi nhuận từ việc bán thịt gà không thuộc về “người dân Ukraine” mà thuộc về nhà sản xuất gia cầm lớn nhất nước này là MHP, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

 Ảnh minh họa: Getty.

Ảnh minh họa: Getty.

“Trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, chúng tôi nhập khẩu khoảng 10.000 tấn gia cầm mỗi tháng và hiện tại cũng đang nhập khẩu 20.000 tấn trở lên mỗi tháng. Đó thực sự là một cú sốc”, ông nói.

Ông cho rằng sự xuất hiện của nhà cung cấp khổng lồ Ukraine đã ngay lập tức gây bất ổn cho thị trường chung EU. Các nhà sản xuất từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang được hưởng lợi từ chi phí thấp do không có rào cản thương mại và thiếu tiêu chuẩn sản xuất của EU ở Ukraine.

Theo Schaeffer, một kg thịt gà từ các nhà sản xuất Pháp có giá khoảng 4,80 euro (hơn 5 USD một chút), trong khi một kg thịt gia cầm Ukraine có giá 2,40 euro, thể hiện sự "cạnh tranh không lành mạnh".

Ông nói, nông dân trên toàn khối cũng đang phải chịu đựng sự gia tăng chưa từng có của sản phẩm Ukraine “có thể là người Đức, người Hà Lan, người Ba Lan – mọi người đều ở trong tình trạng tương tự, khi dòng gà Ukraine này gây bất ổn cho toàn bộ thị trường”.

Năm ngoái, EU đã dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của quốc gia Đông Âu nhằm hỗ trợ tài chính cho Kiev. Tuy nhiên, các quốc gia EU đã phải đối mặt với sự phản đối trong nước khi nông dân phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ hơn.

Ba Lan là quốc gia đầu tiên cấm nhập khẩu sản phẩm của Ukraine, tiếp theo là Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia.

Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu đã áp đặt “các biện pháp ngăn chặn tạm thời” đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine để giảm bớt tác động của việc giá cả giảm mạnh ở các nước láng giềng EU.

Lệnh cấm của EU đối với lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine đối với Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 9.

Lê Na (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-ngu-coc-thit-ga-ukraine-lai-de-doa-cac-nha-san-xuat-eu-post263870.html