Sau những chỉ trích, ông Trump tâng bốc bà May trước khi bà từ chức
Tổng thống Mỹ dành lời ca ngợi thủ tướng Anh về những nỗ lực đối với Brexit, nói rằng bà May là người 'vô cùng chuyên nghiệp' và 'yêu nước'.
Trong chuyến thăm Vương quốc Anh trước khi Thủ tướng Theresa May từ chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn chỉ trích gay gắt người đồng cấp về vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Thay vào đó, ông nói rằng lịch sử sẽ nhớ tới bà May nếu Brexit thành công.
Động thái mới nhất của "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai nước đồng minh diễn ra trong bối cảnh đám đông người phản đối ông Trump đổ ra đường phố trung tâm London, biểu tình với bóng bay hình tổng thống Mỹ mang tính chế nhạo, theo AP.
Ca ngợi nhưng vẫn nhắc chuyện cũ
Tổng thống Trump dành lời khen cho Thủ tướng May chỉ vài ngày trước khi bà từ chức lãnh đạo đảng, sau khi bà không thể thuyết phục quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU. Một khi người kế nhiệm được chọn, bà May sẽ ra đi.
"Tôi rất thích làm việc với bà. Bà là một người vô cùng chuyên nghiệp và rất yêu nước", Tổng thống Trump nói với bà May trong cuộc họp báo gần văn phòng thủ tướng Anh ở phố Downing tại London hôm 4/6.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn khơi lại chuyện cũ hai năm trước, khi ông kêu gọi Thủ tướng May kiện EU thay vì cố gắng thương lượng về việc để Anh ra đi.
Tổng thống Mỹ nói ông "thà rằng bị kiện và sau đó ổn định lại, có thể lắm, nhưng cũng chưa biết chắc được. Có lẽ bà ấy là một nhà đàm phán giỏi hơn tôi". Ông Trump nhận định thỏa thuận mà bà May theo đuổi là một thỏa thuận tốt và "có lẽ bà sẽ không có được được sự ghi nhận xứng đáng".
Trong khi đó, Thủ tướng May vẫn hy vọng người kế nhiệm có thể đạt được Brexit.
"Cá nhân tôi vẫn tin rằng lợi ích tuyệt vời nhất cho Vương quốc Anh là rời Liên minh châu Âu với một thỏa thuận. Tôi tin rằng hiện có một thỏa thuận tốt trên bàn đàm phán. Rõ ràng, bất cứ ai kế nhiệm tôi sẽ phải tiếp tục giải quyết vấn đề này. Tôi tin rằng điều tối quan trọng là phải khiến cho Brexit phục vụ lợi ích của người Anh", bà May nói.
Trước đó, Tổng thống Trump nói đùa rằng bà May vẫn "đeo bám" cho tới khi Mỹ và Anh có được thỏa thuận thương mại. Thủ tướng May và các trợ lý của bà bật cười vì câu nói này.
Theo ông Trump, Anh và Mỹ sẽ có thể đạt được "một thỏa thuận thương mại phi thường" một khi Anh rời EU. Tuy nhiên, để cảnh báo những người Anh quan tâm về Brexit, ông Trump nói "tất cả mọi thứ", bao gồm Dịch vụ Y tế Quốc gia, sẽ trở thành nội dung đàm phán thương mại trong tương lai.
Sau đó, trong cuộc phỏng vấn với kênh ITV cho chương trình "Chào buổi sáng nước Anh", tổng thống Mỹ lại từ bỏ ý tưởng này, cho rằng ông không có ý định thêm dịch vụ y tế vào các cuộc đàm phán, bởi "đó không phải là vấn đề thương mại".
Hầu hết người Anh đều ủng hộ Dịch vụ Y tế Quốc gia của chính phủ bởi chương trình này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho tất cả mọi người. Nhiều người lo lắng rằng các công ty y tế tư nhân của Mỹ có thể sẽ "chen chân" vào chương trình này như một điều kiện của thỏa thuận thương mại.
Ủng hộ "Brexit cứng"
Trong một bình luận khác, Tổng thống Trump dự đoán sẽ "không có giới hạn nào" trong việc chia sẻ thông tin tình báo với Anh, khi Mỹ tiếp tục thúc ép đồng minh cấm cửa tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, liên quan đến vấn đề gián điệp và cuộc chiến thương mại.
Theo truyền thống, các tổng thống Mỹ tránh can thiệp quá sâu vào tình hình chính trị của nước khác. Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố sẽ không bình luận về vấn đề nội bộ của Anh, ông Trump không ngần ngại dành lời khen một số chính trị gia nước này.
Tổng thống Mỹ ca ngợi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và nhà lập pháp đảng Bảo thủ, ông Vladimir Johnson, người đang chạy đua cho vị trí kế nhiệm bà May. Ông Trump cũng cho biết ông đã từ chối yêu cầu gặp mặt của lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn, và đáp trả Thị trưởng London Sadiq Khan, người luôn chỉ trích ông Trump.
Sau đó, lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage và Tổng thống Trump có cuộc gặp ở dinh thự của Đại sứ Mỹ tại Anh. Trên Twitter, ông Farage viết cả hai đã có "cuộc gặp tốt đẹp".
Tổng thống Trump từng lên tiếng ủng hộ việc nước Anh đoạn tuyệt hoàn toàn với EU, hay còn gọi là "Brexit cứng". Theo nhiều chuyên gia, lựa chọn này có thể tàn phá nền kinh tế Anh.
Tuyên bố này của ông Trump trái ngược với quan điểm của Nhà Trắng trước đó, vốn cho rằng Brexit nên diễn ra theo cách ít gây tổn hại nhất có thể. Nhiều người Anh đang kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm giữ Anh ở lại EU.
Cũng nhân dịp tổng thống Mỹ thăm Anh, đại diện 10 công ty hàng đầu của hai nước cũng quy tụ tại Điện St. James ở London. Trong khi đó, người biểu tình vẫn không ngừng đổ ra đường phố thủ đô nước Anh.
Các nhà lãnh đạo đảng đối lập chính cũng hòa vào dòng người phản đối Tổng thống Trump ở quảng trường Trafalgar, gần văn phòng thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing. Tại đây cũng xuất hiện hình nộm ông Trump, cao gần 5 mét, ngồi trên bồn cầu bằng vàng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại cho rằng có "hàng nghìn người trên đường phố chào mừng", vẫy cờ Mỹ và cờ Anh. Chỉ có "rất, rất ít" người biểu tình, và "đã có thật nhiều tình cảm nồng hậu", ông nói.
Tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng tham quan Phòng Chiến tranh Churchill, trung tâm chỉ huy ngầm của chính phủ Anh trong Thế chiến 2. Sau đó, Tổng thống Trump cùng vợ chủ trì tiệc tối tại dinh thự đại sứ Mỹ tại Anh. Tham dự bữa tiệc có Thái tử Charles - con trai nữ hoàng Anh và vợ ông, bà Camilla, cùng các quan chức khác.
Thực đơn của tiệc tối bao gồm cà chua sốt phô mai, thịt bò phi lê và kem vani dùng kèm hoa quả.
Trước đó một ngày, ông Trump ăn trưa với Nữ hoàng Elizabeth II và dự tiệc trà với Thái tử Charles, sau đó tham dự quốc yến tại Điện Buckingham.