Sau Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ mua tên lửa BraMos từ Ấn Độ?
Tên lửa hành trình BrahMos đang thu hút sự quan tầm của một số quốc gia Đông Nam Á, sau khi Philippines mua phiên bản bờ biển của loại vũ khí của Ấn Độ.
Theo báo chí Ấn Độ, các quốc gia khác trong khu vực được cho là đang cân nhắc mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos phiên bản phóng từ máy bay. Đây được xem là một lựa chọn hợp lý cho các quốc gia sử dụng tiêm kích Su-30 do Nga sản xuất. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia và Việt Nam đang có trong biên chế tiêm kích Su-30, tuy mỗi nước lại có tùy biến cho mục đích sử dụng của mình.
BrahMos là phiên bản cải tiến dựa trên các tên lửa chống hạm thời Liên Xô như Oniks hay Yakhont do Cục thiết kế Reutov phát triển từ cuối những năm 1980. BrahMos là tên ghép hai dòng sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga. Vụ phóng thử đầu tiên được tiến hành vào ngày 12/6/2001 tại trường bắn Chandipur ở Odisha, Ấn Độ. Sau đó tên lửa BrahMos bắt đầu được sản xuất tại cả Ấn Độ và Nga.
Tầm bắn ban đầu của BrahMos, được phát triển bởi Liên doanh Ấn-Nga, là 290km. Năm 2023, không quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình BrahMos tầm bắn 450 km trang bị trên tiêm kích Su-30 MKI, MKI là phiên bản Su-30 dành riêng cho không quân Ấn Độ.
Tên lửa đạt vận tốc gấp ba lần tốc độ âm thanh (Mach 2.8). Trong khi đó, bán kính chiến đấu của Su-30 là 1.500 km, cộng thêm tầm bắn 450 km của BrahMos tạo ra một gói vũ khí đầy uy lực.
Nhiều nước ASEAN muốn mua BrahMos
Theo tờ EAT của Ấn Độ, đại diện liên doanh sản xuất BrahMos tại triển lãm Defense Services Asia (DSA) 2024 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia cho biết công ty đã chào hàng BrahMos tới Indonesia, Malaysia.
Trong khi đó, một bản tin của Janes cho biết Malaysia và Indonesia đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tên lửa BrahMos phiên bản phóng từ máy bay.
Nói với Janes tại triển lãm, người phát ngôn của BrahMos Aerospace cho biết công ty đã chào hàng tên lửa hành trình này với Indonesia, Malaysia. Người phát ngôn nói thêm: “Chúng tôi đang đàm phán với các quốc gia này và họ đã thể hiện sự quan tâm đến tên lửa BrahMos”.
Tháng 3/2023, Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace Atul D. Rane cho biết công ty đang thảo luận với Jakarta về một thỏa thuận trị giá 200 - 350 triệu USD, theo đó họ đề nghị cung cấp phiên bản BrahMos bờ biển và một phiên bản có thể lắp đặt trên tàu chiến.
Sự kiện này diễn ra tại thời điểm Ấn Độ chuyển giao tên lửa BrahMos bờ biển cho Philippines, ngày 19/4. Việc bán tên lửa BrahMos cho Philippines đã được thực hiện thông qua thỏa thuận giữa hai chính phủ (G2G).
Theo hợp đồng, Ấn Độ cung cấp ba khẩu đội BrahMos, đào tạo sỹ quan vận hành và bảo trì, gói hỗ trợ hậu cần. Một khẩu đội tên lửa thường bao gồm ba bệ phóng tự hành, mỗi bệ có hai hoặc ba ống phóng tên lửa, cùng với hệ thống ngắm bắn, chỉ thị mục tiêu.
Hệ thống tên lửa BrahMos được mua trong khuôn khổ dự án “Chân trời” nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đông (Manila gọi là Biển Tây Philippines). Các đơn vị tên lửa sẽ giúp bảo vệ đất nước có đường bờ biển thuộc hàng dài nhất thế giới.
Sau khi nhận hàng, Philippines trở thành một trong các quốc gia Đông Nam Á có khả năng tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh. Indonesia đã tích hợp tên lửa hành trình Yakhont do Nga sản xuất lên tàu tàu từ năm 2011. Việt Nam cũng mua một số hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P từ Nga.
Trước khi chào hàng tên lửa BrahMos tới khách hàng nước ngoài, quân đội Ấn Độ đã tiên phong ứng dụng BrahMos. Không quân Ấn Độ (IAF) đã trang bị phiên bản bắn từ trên không của BrahMos cho những chiếc Su-30MKI của mình. Có BrahMos, Su-30 MKI như “hổ mọc thêm cánh”.
IAF đã điều động những chiếc Su-30 được trang bị BrahMos tới khu vực phía bắc trong thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng biên giới với Trung Quốc.
Động thái triển khai BrahMos dọc biên giới Ấn-Trung của Ấn Độ đã gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Nhật báo Giải phóng quân, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc viết: “Việc Ấn Độ triển khai tên lửa siêu thanh ở biên giới đã vượt quá nhu cầu tự vệ của họ, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tỉnh Tây Tạng và Vân Nam của Trung Quốc”.
Tư lệnh Không quân IAF Vivek Ram Chaudhary cho biết: “Sự kết hợp của BrahMos trên Su-30 đã mang lại cho chúng tôi nhiều lợi thế, giúp nâng cao sức mạnh hỏa lực, khiến uy lực răn đe của IAF tăng vọt”.
IAF đã hoán cải 40 tiêm kích Su-30 để chúng có thể mang theo tên lửa BrahMos. Nhà sản xuất máy bay Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) thuộc sở hữu nhà nước sẽ thực hiện hoán cải thêm 20-25 chiếc Su-30.
Khả năng tấn công của BrahMos
BrahMos nay là “vũ khí tấn công thông thường hàng đầu” của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ đã triển khai phiên bản mặt đất của tên lửa này ở Ladakh và Arunachal Pradesh dọc biên giới với Trung Quốc. 10 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đã được trang bị BrahMos.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu âm nhanh nhất thế giới và có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay hoặc bệ phóng trên mặt đất. Nó bay với tốc độ trên 3.400 km/h, gấp ba lần tốc độ âm thanh, khiến hệ thống phòng không đối phương kẻ thù khó có thể hạ gục.
BrahMos về mặt kỹ thuật là tên lửa hành trình siêu âm chạy bằng động cơ ramjet (động cơ phản lực dòng thẳng, sử dụng chuyển động về phía trước của chính nó để nén khí nạp vào buồng đốt mà không cần máy nén) với tầng đẩy nhiên liệu rắn có thể phóng từ các ống phóng, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và máy bay. Nó di chuyển với tốc độ Mach 2.8 đến 3.0 nhưng đang được nâng cấp để bay nhanh hơn Mach 5.0 với biến thể siêu vượt âm.
Một trong những tính năng đặc biệt của BrahMos là khả năng bay cực gần mặt đất để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trên thực tế, trong giai đoạn cuối, tên lửa có thể bay thấp tới mức 10 mét so với mặt đất. Tên lửa dựa vào thiết bị tìm kiếm radar chủ động hoặc dẫn đường quán tính trong giai đoạn cuối.
Sự quan tâm đến BrahMos xuất hiện vào thời điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đang dẫn đến các cuộc đối đầu quân sự gay gắt.
Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã mở rộng sự hiện diện quân sự bằng cách xây dựng và củng cố các tiền đồn và đường băng trên các đảo chiếm đóng trái phép. Manila hiện đã bắt đầu đưa ra những phản kháng mạnh mẽ hơn đối với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
Việc triển khai tên lửa hành trình BrahMos sẽ mang lại cho quốc đảo này khả năng răn đe chống lại “gã khổng lồ châu Á”. Việc bán vũ khí cho Philippines cũng là dấu hiệu cho thấy New Delhi đã vượt qua sự dè dặt để trở thành một bên tham gia ở Biển Đông.
Ngoài ra, Philippines, Thái Lan và Indonesia cũng tỏ ra quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa BrahMos, theo EAT.