Sầu riêng bùng nổ, xuất khẩu rau quả lập kỷ lục gần tỷ USD nhưng vẫn đối diện cạnh tranh gia tăng
Xuất khẩu sầu riêng bùng nổ trong tháng 9, giúp Việt Nam thu gần tỷ USD từ rau quả, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức kỷ lục từ trước đến nay và bằng cả năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường Trung Quốc.
Ngày 15/10, theo số liệu của Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9, xuất khẩu rau quả vượt 917 triệu USD, tăng 38% và thiết lập kỷ lục mới. Sầu riêng là sản phẩm chiếm ưu thế, đóng góp đến 65% giá trị xuất khẩu.Tiếp đến, thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch 9 tháng đạt 3,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9, nước này đã chi hơn 700 triệu USD để nhập rau quả Việt Nam. Theo sau là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35 - 90%.
Với đà tăng trưởng hiện nay và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định Trung Quốc sắp bước vào mùa đông, nên cây trái, rau quả nhiều sẽ thu hoạch kém. Trong khi tại Việt Nam, mùa đông lại là mùa khô nên thuận lợi để trồng rau quả, từ đó sản lượng nhiều. Ngoài ra, Việt Nam có kết nối về đường bộ, đường biển, đường sắt với thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển.
“Thời gian qua, thị trường xuất khẩu rau quả được mở ra, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú. Với những điểm thuận lợi trên, dự kiến cả năm xuất khẩu rau quả sẽ vượt mốc 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra”, ông Nguyên nói.
Với sự tăng trưởng như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định mỗi năm ngành rau quả sẽ có thêm một kỷ lục mới và có tiềm năng đạt cột mốc xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.
Trước đó, trong tháng 8, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Tại hội chợ cuối tháng 9 ở Trung Quốc, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 30-50 container, thậm chí có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp 1.500 container. Đây là tín hiệu tích cực cho tương lai của ngành dừa Việt Nam tại thị trường tỷ dân này.
Dù vậy, trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. Điển hình là thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh.
Đơn cử, sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi.
Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì.
Theo các chuyên gia, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kết hợp với việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch khi có yêu cầu. Với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ cấp đông, cải thiện kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.