Sầu riêng có thể mang về 7 tỉ USD trong năm nay nhưng...

Cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng riêng cho sầu riêng xuất khẩu và phải có cơ chế pháp lý quản lý cụ thể để các địa phương áp dụng chuẩn hóa ngay tại vùng trồng...

Chiều 30-7, Cơ quan văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tại TP.HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và báo chí để thông tin tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt gần 3,4%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Giá trị xuất khẩu cũng tăng 19% so với cùng kỳ.

Đây là những nỗ lực chung của toàn ngành, góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Theo đó, phấn đấu cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,2 - 4,0%. Trong đó giá trị trồng trọt tăng 2,0 - 2,2 %; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 4,0 - 5,0%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,7 - 4,0%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,0 - 5,5%.

Dù vậy để đạt được mục tiêu này, theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, cần rất nhiều nỗ lực về quản lý lẫn năng lực sản xuất.

Xuất khẩu tỉ đô nhưng ...

Là một ngành đóng góp lớn cho giá trị xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kỳ vọng, trong năm 2024 ngành rau quả sẽ có những kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, ước tính đạt 6,5 – 7 tỉ USD .

Trong đó, sầu riêng là mặt hàng mang nhiều kỳ vọng, nhất là khi 6 tháng đầu năm, đã thu về 1,3 tỉ USD, dẫn đầu giá trị xuất khẩu của nhóm rau quả. Giá xuất khẩu của mặt hàng này cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3 – 4,5 USD/kg (tương đương 110.000 – 115.000 đồng/kg).

Hiện nay giá nội địa của sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên cũng đạt khoảng 100.000 đồng/kg, kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu loại quả này bứt phá hơn trong năm nay.

"Đến cuối năm, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỉ USD, thậm chí 4 tỉ USD, mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam nói chung và các hộ trồng sầu riêng nói riêng"- ông Nguyên nói.

Dù vậy, để đạt được kết quả này, theo ông Nguyên cần có những tiêu chuẩn nhất định cho riêng đối với quả sầu riêng.

Thực tế gần đây một số lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo về chất lượng. Điều này thể hiện sự cần thiết trong việc quản lý ngành sầu riêng một cách bài bản, để duy trì vị thế, uy tín của ngành trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyên đề xuất, Bộ nên xây dựng một tiêu chuẩn chất lượng riêng cho sầu riêng xuất khẩu, phải có cơ chế pháp lý quản lý cụ thể, để các địa phương áp dụng chuẩn hóa ngay tại vùng trồng, cho tới khâu thu mua, đóng gói.

Chuẩn hóa nội địa, và nhập khẩu

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, ngoài chú trọng xuất khẩu, vấn đề nội địa cũng cần được quan tâm. Đối với ngành rau quả, ông Nguyên cho rằng, làm tốt ngay từ nội địa chính là cách để ngành phát triển bền vững.

"Cần siết chặt cơ chế kiểm soát chất lượng nội bộ trong doanh nghiệp, để sản phẩm ra thị trường đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước"- ông Nguyên đề xuất.

Tương tự, theo ông Nguyễn Chí Công Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng nhìn nhận, vấn đề đảm bảo an toàn trong chăn nuôi mặc dù được Bộ ngành quan tâm, nhưng cũng cần sát sao với thực tế.

Lấy ví dụ một thực tế trong ngành là vacxin phòng dịch tả heo Châu Phi, dù đây là tiến bộ lớn của ngành, nhưng khi áp dụng xuống các trang trại tỉ lệ bảo vệ không cao. Nguyên nhân là do, muốn vacxin phát huy tác dụng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe chứ không chỉ là các khuyến cáo thông thường đang được tuyên truyền.

Theo ông Công, nếu không sớm khắc phục vấn đề tăng hiệu quả vacxin phòng dịch tả heo châu Phi, sẽ gây ảnh hưởng tới tổng diện tích đàn và cả giá thịt heo khi đi ra thị trường.

 Ông Nguyễn Chí Công Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai. ẢNH: THU HÀ

Ông Nguyễn Chí Công Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai. ẢNH: THU HÀ

Ngoài vấn đề nội địa, ông Công cũng kiến nghị cơ quan bộ ngành cần tính toán tới việc cân bằng thị trường, nhất là vấn đề nhập khẩu.

"Chúng ta không thể cấm nhập khẩu thịt, nhưng phải tính toán tới tiêu chuẩn, cần có tiêu chí nhập khẩu hàng chính phẩm. Cần nâng cao tiêu chí kiểm soát chất lượng. Nếu như ngành chăn nuôi trong nước có rất nhiều quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm, thì nhập khẩu cũng phải gắt gao tương đương như vậy"- ông Công nói.

Trước những khó khăn và kiến nghị của các Hiệp hội, ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam cho biết, Bộ đã ghi nhận và tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội.

Truy xuất nguồn gốc chưa hết "nóng"

Ông Lê Viết Bình nhấn mạnh, hiện nay câu chuyện truy xuất nguồn gốc đang là vấn đề được các ban ngành quan tâm, nhất là khi các điều kiện kỹ thuật liên quan đến truy xuất nguồn gốc được nhiều quốc gia gắn với trách nhiệm môi trường - xã hội. Vì thế bản thân doanh nghiệp cũng cần chú trọng để định hướng phát triển bền vững.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-rieng-co-the-mang-ve-7-ti-usd-trong-nam-nay-nhung-post802889.html