Sầu riêng Minh Tâm nỗ lực xây dựng thương hiệu

Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản thành lập năm 2020 với 17 thành viên, tổng 20 ha sầu riêng, năng suất bình quân đạt khoảng 11 tấn/ha. Với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, sầu riêng của tổ hợp tác bước đầu đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, với khát khao được làm chủ, tránh phụ thuộc vào một thị trường độc quyền, tổ hợp tác mong mỏi được tạo điều kiện trong việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho trái sầu riêng của mình.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm có 1,3 ha cây sầu riêng giống Ri6 và Monthong từ 6 đến 13 năm tuổi, năng suất đạt khoảng 16 tấn mỗi năm, cho thu lời trên 500 triệu đồng. Những năm thời tiết thuận lợi, ông Hạnh thu tiền tỷ từ vườn sầu riêng này. Nói về những ngày đầu khởi nghiệp, ông chia sẻ đã không ít lần “ngậm trái đắng”. Ông Hạnh kể: Trồng cây sầu riêng rất khó. Năm đầu tiên trồng tôi sử dụng thuốc hóa học, phân hóa học, 1 năm chết 40 cây, toàn bộ là cây lớn... Sau này, tôi tìm hiểu mới biết do sử dụng thuốc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cây bị nấm dẫn đến chết.

Còn ông Trần Đức Thành, thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm có 4,8 sào sầu riêng giống Ri6 và sầu riêng Thái, bình quân mỗi năm thu 6 tấn, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nguồn thu này giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống và có điều kiện tái đầu tư vườn cây. Ông Thành bày tỏ: “Tham gia tổ hợp tác có nhiều lợi ích. Chúng tôi được các chuyên gia tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng, giúp đảm bảo năng suất, chất lượng. Trước đây, chúng tôi tự mày mò nên trồng không đảm bảo năng suất”.

Vườn sầu riêng của thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm cho năng suất ổn định

Vườn sầu riêng của thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm cho năng suất ổn định

Được sự quan tâm của địa phương, sau một thời gian thành lập, Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm được tạo điều kiện về vốn, được kết nối với công ty ký hợp đồng bao tiêu về kỹ thuật lẫn đầu ra với giá thu mua sầu riêng loại 1 khoảng 45 ngàn đồng/kg năm 2022. Các thành viên của tổ hợp tác được hướng dẫn chăm sóc cây sầu riêng theo phương pháp hữu cơ. Sầu riêng được kiểm tra kỹ tiêu chuẩn an toàn sau thu hoạch để xuất khẩu, góp phần khẳng định vị thế cũng như xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.

Nhờ được hỗ trợ nhiều mặt, Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm đã đi đúng hướng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong canh tác cây sầu riêng của các thành viên trong tổ. Tuy nhiên, ngoài khó khăn về vốn, các thành viên trong tổ cũng còn nhiều trăn trở. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: “Thứ nhất, tổ hợp tác chúng tôi có nguyện vọng nhân rộng mô hình. Thứ hai, nhanh chóng xây dựng được truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn VietGAP để trái sầu riêng của tổ hợp tác có chỗ đứng trên thị trường, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con”.

Trước thực trạng của tổ hợp tác, ông Trương Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tâm cho biết: “Chúng tôi mong muốn sắp tới huyện hỗ trợ xã cũng như tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, giá thành sản phẩm. Từ đó mang lại thu nhập cao hơn cho các thành viên trong tổ”.

Quy trình liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) ở Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Minh Tâm đã dần được định hình nhưng các thành viên mong mỏi một chỗ đứng vững chắc hơn để khẳng định thương hiệu, vị thế, hạn chế phụ thuộc về giá cả đầu ra từ đơn vị ký kết.

Thanh Mai

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/134052/sau-rieng-minh-tam-no-luc-xay-dung-thuong-hieu