Sầu riêng vẫn là 'cây bạc tỷ' của nông dân Đắk Lắk, nhưng cần đồng lòng để giải quyết nỗi lo chung
Vụ năm 2024 này, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 32.000 ha sầu riêng, tăng mạnh so với con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha, là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. Sản lượng tăng nhanh khiến áp lực về giá bán tăng, cùng với những thách thức về thời tiết và dịch hại...
Krông Nô là một xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Lắk. Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xã từng đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên vài năm trở lại đây, mọi thứ dần thay đổi khi người dân địa phương chuyển hướng mạnh sang cây sầu riêng.
Giàu nhanh nhờ sầu riêng
Ông Chu Văn Thông (buôn Lách Dơng) là một trong những điển hình thành công nhờ trồng sầu riêng ở Krông Nô, với diện tích canh tác rộng hơn 4,5 ha, sản lượng bình quân trên dưới 100 tấn/năm. Để có được thành quả này, ông Thông đã phải trải qua nhiều phen “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Nhớ lại hành trình gây dựng vườn sầu riêng bạc tỷ của mình, ông Thông chia sẻ thực tế loại “vua trái cây” này đã manh nha được trồng ở Krông Nô từ những năm 2000, nhưng lúc đó đa phần người dân canh tác nhỏ lẻ, phương thức sản xuất lạc hậu nên năng suất, chất lượng không cao.
Phải đến những năm 2010 trở đi, khi bắt đầu nhận thấy tiềm năng lớn của cây sầu riêng, các nhà vườn mới bắt đầu nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp năng suất, chất lượng trái sầu riêng tăng lên.
Như trường hợp của ông Thông, để nâng cao giá trị cây sầu riêng, ông đã bỏ công vào các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để học hỏi kinh nghiệm, sau đó lại thuyết phục những “cao nhân” trồng sầu riêng về tận nhà để chuyển giao kỹ thuật, thực nghiệm trên chính khu vườn của gia đình.
Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, từng phải phá toàn bộ vườn cây cũ để trồng cây mới, cuối cùng ông Thông đã thu "trái ngọt". Năm 2019, vườn sầu riêng của gia đình ông cho thu hoạch với năng suất cao vượt trội so với trước kia.
Đến nay, vườn sầu riêng của ông Thông đã thu hoạch được 4 năm, bình quân mỗi năm cho thu hoạch trên dưới 10 tỷ đồng. Vườn sầu riêng còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thường xuyên (mức lương 9 triệu đồng/người/tháng) cùng nhiều lao động thời vụ.
Thách thức dần lộ diện
Đáng chú ý, không chỉ tạo dựng thành công cho bản thân, ông Chu Văn Thông còn liên kết các hộ tại địa phương để thành lập HTX Thông Phong, thu hút hơn 100 hộ thành viên, với diện tích trên 120 ha. Nhờ có sầu riêng, 100% các hộ thành viên HTX hiện là các triệu phú, tỷ phú.
Sau thành công ban đầu, HTX đang hướng đến mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng mã vùng trồng để bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con. Bên cạnh đó, HTX đang triển khai dự án “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp”.
Cũng giống như ở Krông Nô, Buôn Hồ là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất ở Đắk Lắk. Sau vụ mùa năm 2023 trúng đậm, các HTX, hộ trồng sầu riêng trên địa bàn thị xã đang tiếp tục có một vụ mùa bội thu nữa. Hiện tại, các vùng trồng lớn ở thị xã đã bắt đầu nhộn nhịp.
Đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ sầu riêng năm 2024 này, Giám đốc HTX nông nghiệp Buôn Hồ Bùi Thành Huỳnh cho biết, HTX hiện có 27 thành viên chính thức và liên kết với hơn 80 hộ dân, tổng diện tích canh tác gần 200 ha sầu riêng.
Kể từ năm 2022 đến nay, khi thị trường Trung Quốc mở rộng cánh cửa nhập khẩu sầu riêng, hầu như các hộ thành viên, nông dân liên kết của HTX ai cũng “trúng”. Hộ ít thì thu vài trăm triệu đồng, hộ nhiều thì vài tỷ đồng, cuộc sống từ đó khấm khá hơn nhiều, không còn bị cái nghèo đeo bám.
Từ vụ trước đến vụ này, theo vị đại diện HTX, tình trạng thương lái, doanh nghiệp vào tận vườn để liên hệ, chào mời rất nhiều. HTX đang liên kết với hàng loạt doanh nghiệp nhằm có sự hỗ trợ bền vững về kỹ thuật, tiêu thụ sầu riêng. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ quyết định ký hợp đồng bán cho thương lái.
Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk dự kiến đạt trên 300.000 tấn. Không thể phủ nhận cây sầu riêng đang là cây đổi đời, làm giàu cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Thế nhưng, bên cạnh những con số thu nhập bạc tỷ, những thách thức bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Vụ này, nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi, khó khăn như: thời tiết khắc nghiệt và khó lường, tình trạng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, diện tích được cấp mã số vùng trồng ít…
Nếu biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài là điều bất khả kháng, thì việc diện tích vùng trồng tăng nhanh vượt quy hoạch đang là một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng đối diện nguy cơ không giữ được như kỳ vọng.
Kể từ đầu tháng 8 tới nay, giá sầu riêng ở Đắk Lắk tăng giảm thất thường. Giá mua xô tại vườn dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg với sầu Dona (đầu tháng 7), hiện giảm còn 55.000 - 70.000 đồng/kg. Sầu riêng hạng A (xuất khẩu), giá trên 105.000 đồng/kg với sầu Dona (đầu tháng 7), hiện nay giảm còn khoảng 80.000 đồng/kg. Giá này tuy vẫn tương đương và có thời điểm cao hơn so với mùa vụ năm 2023, nhưng giá giảm khiến việc mua bán gặp khó khăn.
Định hướng phát triển bền vững
Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột cho biết, HTX hiện có 49 thành viên và liên kết với 200 hộ nông dân, sản xuất 14 ha sầu riêng chuyên canh và khoảng 1.000 ha sầu riêng trồng xen.
Sản lượng sầu riêng của HTX năm 2024 ước đạt hơn 1.700 tấn. Nhờ nghiên cứu, xử lý vườn cây phù hợp với điều kiện thời tiết và chủ động quản lý nấm bệnh, sản lượng sầu riêng của HTX duy trì ổn định.
Tuy nhiên, giá sầu riêng giảm, thương lái kéo dài thời gian thu mua, thành viên HTX sợ quả rụng ảnh hưởng đến năng suất nên đã giảm giá bán, từ 84.000 đồng/kg sầu Dona (theo thỏa thuận trước đó) xuống còn 74.000 đồng/kg.
Trước diễn biến thực tế, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, nhấn mạnh cần chú ý nguy cơ mất kiểm soát nếu cứ làm ồ ạt như hiện nay. Trước hết, cần phải điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng trồng, cây trồng hợp lý.
Vào đầu tháng 8, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn về việc quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng vụ mùa 2024.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, nắm chắc tình hình xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kịp thời phát hiện, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và sử dụng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu không đảm bảo quy định.
Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất hình thành chuỗi liên kết theo hướng tổ chức chuỗi liên kết từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý, kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, sớm đưa vào quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, bãi thải…