Rừng thông ở huyện Nghi Lộc bị sâu róm tàn phá. (Ảnh: Phạm Tâm)
Hơn 1 tháng qua, nhiều rừng thông tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị nạn sâu róm tàn phá. Sâu phát triển nhanh, mạnh khiến cả khu vực rừng rộng lớn bị thiệt hại.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, nạn sâu róm xuất hiện từ giữa tháng 7 đến nay, mật độ sâu khoảng 350-400 con/cây thông.
Khoảng 300ha thông bị sâu ăn trụi lá, đặc biệt tại khu vực rừng khoảnh 2, tiểu khu 959 xã Nghi Yên; khoảnh 1, tiểu khu 960 xã Nghi Tiến; khoảnh 1, tiểu khu 960B xã Nghi Quang và khoảnh 1, tiểu khu 960C xã Nghi Xá.
Khoảng 450ha diện tích rừng bị nhiễm sâu róm mức độ trung bình với mật độ sâu khoảng 150-200 con/cây thông.
Ngoài 2 khu vực trên, còn có khu rừng thông ở xã Nghi Đồng, xã Nghi Hưng, Nghi Lâm, Nghi Phương, Nghi Mỹ, Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) cũng bị nạn sâu róm xâm hại với mật độ sâu khoảng 10-30 con/cây.
Đến nay, nhiều khu vực rừng trên địa bàn huyện Nghi Lộc bị trụi lá, cây xác xơ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây thông và cả khu rừng.
Ông Trần Văn Trường, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc cho biết, nguyên nhân xuất hiện dịch sâu róm do thời tiết có sương mù, nắng mưa đan xen, độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho sâu sinh trưởng.
Theo ông Trường, sâu róm chỉ mới ăn, cắn phá lá thông 1 chu kỳ nên chưa ảnh hưởng nhiều đến cây. Tuy nhiên, nếu không khống chế để sâu tiếp tục phát triển và ăn lá thêm nhiều chu kỳ sẽ nguy hại đến cây thông.
Để đối phó, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc phun thuốc phòng trừ sâu trên diện tích 142ha rừng.
Vòng đời của sâu kéo dài gần 2 tháng, hiện sâu bắt đầu đóng kén nên đơn vị này tạm dừng phun thuốc. Thay vào đó, chuẩn bị đèn và các vật dụng làm bẫy bắt sâu trưởng thành nở ra bướm.
Phạm Tâm