Sau sáp nhập, GV dạy Địa lý 12 cần chủ động điều chỉnh ngữ liệu phù hợp thực tiễn
Trong năm học tới, học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành. Giáo viên bộ môn cần chủ động điều chỉnh ngữ liệu để phù hợp với tình hình sáp nhập.
.t1 { text-align: justify; }
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo theo nhiều thay đổi về địa danh, bản đồ, số liệu và thông tin kinh tế - xã hội. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung môn Địa lý (lớp 12).
Trong khi chờ sách giáo khoa mới được biên soạn, năm học tới, học sinh vẫn học theo sách hiện hành. Tuy nhiên, giáo viên được yêu cầu chủ động điều chỉnh ngữ liệu, bổ sung thông tin mới vào bài giảng sao cho sát với thực tế địa phương và phù hợp với mô hình hành chính mới.
Nhiều nội dung cần điều chỉnh trong sách giáo khoa Địa lý 12
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Chí Công - Giáo viên môn Địa lý, Tổ phó chuyên môn, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (xã Lục Nam, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, hiện nhà trường đang sử dụng sách giáo khoa Địa lý lớp 12 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến một số nội dung trong chương trình, tuy nhiên mức độ thay đổi giữa các phần là khác nhau.

Thầy Vũ Chí Công - Tổ phó chuyên môn, Trường Trung học phổ thông Phương Sơn. Thiết kế: Ngọc Huyền
Thầy Công cho biết, ở phần I - Địa lý tự nhiên, bao gồm các nội dung về vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ, đặc điểm thiên nhiên và sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam. Đây là phần ít chịu ảnh hưởng từ thay đổi địa giới. Tuy nhiên, nếu trong bài có đề cập cụ thể đến tên các tỉnh, thì những tên tỉnh này cần được rà soát và cập nhật cho đúng với đơn vị hành chính hiện tại.
Phần II - Địa lý dân cư chủ yếu cung cấp các số liệu và đặc điểm dân cư của toàn lãnh thổ Việt Nam, nên sẽ chưa có sự thay đổi lớn. Các số liệu vẫn giữ tính tổng quan và ít phụ thuộc vào các đơn vị hành chính cụ thể.
Phần III - Địa lý các ngành kinh tế là phần bắt đầu có nhiều nội dung cần điều chỉnh hơn. Những nội dung như “ngành này phát triển ở tỉnh nào”, “thế mạnh của từng địa phương” sẽ cần được xem xét lại nếu các tỉnh được sáp nhập hoặc điều chỉnh ranh giới. Việc thay đổi này có thể ảnh hưởng đến đánh giá nguồn lực, cơ cấu ngành kinh tế hoặc năng lực sản xuất tại địa phương.
“Phần IV - Địa lý các vùng kinh tế là phần thay đổi nhiều nhất và cũng là trọng tâm giáo viên cần lưu ý trong chương trình Địa lý lớp 12. Những nội dung như đặc điểm vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… đều gắn liền với ranh giới địa phương, số tỉnh trong vùng, và các số liệu thống kê về dân số, kinh tế - xã hội. Khi địa giới thay đổi, quy hoạch vùng cũng thay đổi, dẫn đến thay đổi về số liệu, cơ cấu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển.
Ví dụ, nếu trước đây vùng Tây Nguyên có một số tỉnh nhất định, nhưng sau sáp nhập có sự thay đổi về số lượng hoặc tên gọi các tỉnh, thì số liệu và đánh giá vùng đó cũng phải được cập nhật cho phù hợp. Những thay đổi này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn ảnh hưởng đến việc nhìn nhận tổng thể chiến lược phát triển vùng”, thầy Công nhận định.

Ngay phần mở đầu của sách giáo khoa Địa lý lớp 12 đã có những nội dung cần điều chỉnh. Ảnh: NVCC
Cô Đỗ Thị Sơn - giáo viên Địa lý tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (phường Nghĩa Lộ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng đồng tình với những đánh giá trên. Cô Sơn cho biết, việc thay đổi địa giới hành chính sẽ tác động đến một số phần trong chương trình Địa lý lớp 12, đặc biệt là diện tích từng tỉnh thành và phần địa lý kinh tế - xã hội.
Nếu sách giáo khoa cũ ghi Việt Nam có 63 tỉnh, thành, thì sau điều chỉnh, số lượng sẽ giảm còn 34 tỉnh, thành. Đây là một thay đổi cơ bản, ảnh hưởng đến phần giới thiệu tổng quan về lãnh thổ quốc gia.
Về địa lý dân cư, chung ý kiến với thầy Công, cô Sơn cho biết phần này tuy có thay đổi về số liệu nhưng không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sáp nhập. Số liệu dân cư vốn được cập nhật hằng năm nên luôn có sự biến động, kể cả khi không có thay đổi địa giới. Tuy nhiên, cách tính dân số theo tỉnh có thể được điều chỉnh khi một số tỉnh được gộp lại. Trong trường hợp này, giáo viên có thể cộng dồn các tỉnh đã sáp nhập để tạo số liệu tổng.
"Địa lý kinh tế và vùng kinh tế là phần chịu ảnh hưởng lớn nhất. Việc phân chia 6 vùng kinh tế của Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên ranh giới hành chính cũ. Nếu có thay đổi tỉnh/thành trong mỗi vùng, các nội dung liên quan như: đặc điểm kinh tế vùng, điểm nhấn ngành nghề, số liệu về sản xuất, bản đồ vùng kinh tế… đều sẽ cần điều chỉnh.
Ngoài ra, những khái niệm như vùng kinh tế trọng điểm, sự phân bố công nghiệp, các trung tâm kinh tế, dịch vụ - thương mại... cũng bị tác động khi đơn vị hành chính thay đổi. Điều này kéo theo sự thay đổi của cả bản đồ, biểu đồ, sơ đồ trong sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy", cô Sơn nhấn mạnh.
Giáo viên điều chỉnh ngữ liệu như thế nào?
Theo thầy Vũ Chí Công, hiện tại, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học mới vẫn sử dụng sách giáo khoa cũ. Bộ cũng đã có chỉ thị rằng giáo viên bộ môn cần chủ động điều chỉnh và cập nhật ngữ liệu phù hợp với tình hình mới trong từng bài giảng.
Tuy nhiên, thầy Công cho biết, giáo viên chỉ có thể cập nhật ở mức độ giới thiệu, mở rộng kiến thức thực tế cho học sinh. Tức trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể nói thêm để học sinh biết rằng địa giới hành chính đã thay đổi, nhưng phần kiến thức chính vẫn phải dựa trên sách giáo khoa hiện hành. Bởi kiến thức cũ trong sách vốn là căn cứ cho các bài kiểm tra, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc.
“Việc điều chỉnh chỉ dừng lại ở mức bổ sung, cập nhật ngữ liệu mang tính tham khảo, không được phép dạy chệch hướng hoặc thay thế hoàn toàn nội dung trong sách. Điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thi cử, đặc biệt trong bối cảnh học sinh vẫn sẽ làm bài theo nội dung đã được quy định chung trên toàn quốc.
Về mặt kỹ thuật, giáo viên có thể tự điều chỉnh được một số nội dung như tên các tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập, địa giới hành chính mới, một số thông tin mô tả thay đổi đơn giản…
Tuy nhiên, các nội dung cần số liệu cụ thể như bản đồ, biểu đồ hay bảng thống kê liên quan đến kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành thì giáo viên không thể tự thực hiện được một cách chính xác và thống nhất. Việc tự vẽ bản đồ hoặc lập biểu đồ mới rất khó, mất nhiều thời gian và không đảm bảo độ chính xác”, thầy Công cho hay.
Do đó, thầy nhấn mạnh giáo viên rất cần được hỗ trợ từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các đơn vị chuyên môn như nhà xuất bản về tài liệu thống kê, biểu đồ cập nhật hoặc tài liệu hướng dẫn giảng dạy điều chỉnh. Nếu có thể cung cấp một bộ dữ liệu chuẩn, giáo viên trên toàn quốc sẽ có căn cứ để điều chỉnh bài giảng một cách thống nhất, tiết kiệm thời gian, đồng thời vẫn đảm bảo chính xác và sát với tình hình thực tiễn.

Cô Đỗ Thị Sơn - giáo viên Địa lý tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết. Thiết kế: Ngọc Huyền
Về phía cô Đỗ Thị Sơn, cô nhận định rằng, trong giai đoạn chưa có sách giáo khoa mới, giáo viên có thể tự điều chỉnh một số nội dung cơ bản, như cập nhật tên tỉnh nhưng không thể thay thế hoàn toàn sách giáo khoa bằng ngữ liệu mới.
"Trong quá trình chuẩn bị bài giảng, giáo viên bộ môn sẽ có thuận lợi là có thể cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống như Cổng thông tin Chính phủ, báo chí về số lượng xã/phường trong tỉnh, số lượng tỉnh thành, địa giới hành chính... và có thể tham khảo, trao đổi với các giáo viên khác qua hội nhóm chuyên môn ngành Địa lý.
Tuy nhiên, cũng tồn tại khó khăn lớn như thiếu nguồn dữ liệu chính thức về số liệu dân cư, kinh tế mới sau sáp nhập; Chưa có hướng dẫn từ Bộ hoặc Sở về điều chỉnh bài giảng cụ thể; Giáo viên không thể tự tạo bản đồ, biểu đồ mới hoặc tự ý thay thế bản đồ trong sách giáo khoa nếu không có sự đồng thuận và căn cứ rõ ràng", cô Sơn khẳng định.
Chính vì vậy, nữ nhà giáo cho rằng trong năm học tới, giáo viên rất cần được hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ quan chuyên môn, nhất là trong việc cung cấp số liệu thống kê mới, đã được xác minh, bản đồ hành chính mới sau sáp nhập, các bảng biểu, biểu đồ cập nhật theo vùng, ngành, tài liệu hướng dẫn chính thức về cách điều chỉnh nội dung bài học.
"Nhìn chung, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện theo chủ trương của Chính phủ đã và đang tạo ra những thay đổi nhất định trong các tài liệu giảng dạy, đặc biệt là môn Địa lý lớp 12 - môn học vốn chứa nhiều nội dung liên quan đến đơn vị hành chính, số liệu dân cư - kinh tế và phân vùng lãnh thổ.
Trong năm học tới, học sinh vẫn sẽ học theo sách giáo khoa hiện hành. Do đó, giáo viên cần chủ động điều chỉnh và cập nhật một số nội dung giảng dạy cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ cấu trúc sách và định hướng thi cử chung toàn quốc", cô Sơn chia sẻ.