Theo tôi, chỉ nên tổ chức giáo viên giỏi cấp trường và tỉnh là đủ

Việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường, nếu được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng sẽ thúc đẩy sự nỗ lực của mỗi giáo viên.

Từ ngày 01/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) chính thức vận hành trên cả nước. Cấp huyện chính thức chấm dứt hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc từ năm học 2025–2026, hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện sẽ không còn được tổ chức như trước đây.

Thay vào đó, cấp xã (phường) sẽ là đơn vị tổ chức hội thi này – điểm mới vừa được hướng dẫn trong Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy đây là một sự chuyển đổi nhằm phân quyền và tăng tính chủ động cho cơ sở, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về năng lực chuyên môn, tính khách quan và hiệu quả khi cấp xã/phường tổ chức hội thi này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vì sao nên tinh giản thi giáo viên giỏi?

Trong nhiều năm qua, hội thi giáo viên giỏi (gồm giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi) được xem là một hoạt động chuyên môn có ý nghĩa trong việc phát hiện, bồi dưỡng và tôn vinh những nhà giáo tâm huyết, sáng tạo.

Tuy nhiên, cách tổ chức thi theo mô hình nhiều tầng nấc từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh – cũng bộc lộ một số vấn đề về mặt chuyên môn lẫn cách tổ chức thực hiện.

Theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT, quy định về chu kỳ tổ chức hội thi như sau: cấp trường hai năm tổ chức một lần, cấp huyện hai năm tổ chức một lần còn cấp tỉnh bốn năm tổ chức một lần.

Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế ở nhiều địa phương, do cách bố trí thời gian chưa hợp lý, có tình trạng giáo viên vừa dự thi xong giáo viên dạy giỏi cấp trường đã bước vào hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hoặc ngay sau hội thi cấp huyện lại tiếp tục tham dự ngay hội thi cấp tỉnh trong cùng năm học.

Thậm chí, có trường trong một năm tổ chức 2 hội thi (giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi). Và cũng năm học ấy, cấp huyện thị cũng tổ chức giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi nên có thầy cô chỉ trong một năm phải tham gia đến 3 hội thi giáo viên giỏi.

Điều này dẫn đến áp lực cho giáo viên, khi họ phải liên tục soạn giáo án mẫu, dàn dựng tiết dạy, hoàn thiện hồ sơ giải pháp… trong khi vẫn đảm đương khối lượng công việc giảng dạy thường nhật.

Học sinh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi thầy cô phải dồn tâm sức cho bài thi, dễ dẫn đến tâm lý sao nhãng việc dạy trên lớp.

Có nơi, tiết dạy dự thi không còn đơn thuần là sản phẩm của quá trình rèn luyện sư phạm hằng ngày mà được giáo viên luyện tập công phu: học sinh được “tập dợt” trước, giáo viên phải luyện lời nói – cử chỉ – thao tác, kịch bản bài giảng được chỉnh sửa khác xa tiết dạy thực tế hàng ngày.

Chỉ cần hội thi giáo viên giỏi cấp trường và cấp tỉnh là đủ

Giáo viên giỏi không nhất thiết phải đi đâu xa để được nhìn nhận. Theo người viết, chính môi trường sư phạm thân thuộc tại trường học là nơi đánh giá họ khách quan và toàn diện nhất.

Trong suốt quá trình công tác, người hiểu rõ một giáo viên nhất không phải là giám khảo trong một tiết dạy duy nhất, mà chính là hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và đồng nghiệp sát cánh mỗi ngày. Họ biết được năng lực thực sự của giáo viên qua từng bài giảng, từng giờ sinh hoạt chuyên môn, qua thái độ làm việc, tinh thần cầu thị, cách ứng xử với học sinh và phụ huynh.

Không ai đánh giá một người thầy chính xác hơn bằng chính những người đã làm việc cùng, chứng kiến sự tiến bộ và cống hiến của họ trong suốt cả năm học, chứ không phải chỉ trong một tiết dạy được “gọt giũa” để thi.

Chính vì vậy, việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp trường, nếu được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, có tiêu chí rõ ràng và có sự phản biện nội bộ khoa học, sẽ không chỉ là nơi để chọn người đi thi, mà còn là cơ hội để toàn trường nhìn lại chuyên môn, học hỏi lẫn nhau và lan tỏa tinh thần đổi mới giáo dục thực chất.

Nếu cấp trường là nơi ươm mầm và phát hiện tài năng, thì cấp tỉnh chính là nơi chọn mặt gửi vàng, tôn vinh và định vị những giáo viên xuất sắc thật sự – những người có khả năng lan tỏa đổi mới giáo dục ở địa phương.

Với điều kiện tổ chức bài bản, đội ngũ giám khảo giàu chuyên môn được huy động từ nhiều địa phương khác nhau, bao gồm chuyên viên sở giáo dục, giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, cấp tỉnh đảm bảo một quy trình đánh giá khách quan, minh bạch và có tính thẩm định chuyên sâu.

Đây không còn là một cuộc thi đơn thuần, mà là một “hội đồng chuyên môn cao cấp” – nơi từng tiết dạy, từng sáng kiến, từng định hướng giáo dục đều được mổ xẻ bằng góc nhìn học thuật, thực tiễn và chiến lược. Đặc biệt, việc tổ chức thi giáo viên giỏi cấp tỉnh không nên làm đại trà, dàn trải theo phong trào, mà cần được sàng lọc kỹ từ cấp trường, tập trung vào những cá nhân có triển vọng phát triển chuyên môn bền vững, có tư duy đổi mới và tinh thần phụng sự giáo dục.

Không phải ai cứ đậu cấp trường là được cử đi thi cấp tỉnh nhưng những người được chọn cần đủ năng lực để trở thành người truyền lửa, dẫn đường.

Cũng từ sân chơi này, ngành giáo dục có thể phát hiện lực lượng nòng cốt để đào tạo đội ngũ chuyên gia giáo dục tại địa phương, hình thành mạng lưới hỗ trợ chuyên môn liên trường, liên cấp, tạo đà cho những đổi mới giáo dục thực chất và bền vững.

Vinh danh đúng người, đúng nơi, đúng cách – sẽ thúc đẩy sự đổi mới, nỗ lực để trở thành những giáo viên giỏi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/theo-toi-chi-nen-to-chuc-giao-vien-gioi-cap-truong-va-tinh-la-du-post252560.gd