Sau sáp nhập, một xã quản lý nhiều trường liệu có quá tải?
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường đang diễn ra mạnh mẽ trên cả nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, quá trình này đang nảy sinh nhiều khó khăn từ việc đặt lại tên trường đến thay đổi cơ chế quản lý, gây xáo trộn nhất định trong hoạt động dạy và học tại các địa phương.
Cần đặt tên và tái cấu trúc hệ thống trường học sau sát nhập
Hiện nay, nhiều trường học trên cả nước mang tên các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn - những cái tên sẽ không còn tồn tại khi chính quyền địa phương được tổ chức lại theo mô hình hai cấp: tỉnh và cơ sở. Những tên gọi như Trường tiểu học thị trấn A, trường THCS xã B… đang đứng trước khả năng không còn phù hợp với địa danh mới sau sáp nhập do các địa danh
Theo quy định mới, các đơn vị hành chính sẽ không còn cấp huyện, thị xã, thị trấn và số lượng, tên gọi đơn vị hành chính cấp xã, phường cũng thay đổi. Vì vậy, việc sử dụng các cụm từ như “thị xã”, “thị trấn”, “xã”, “phường” trong tên trường sẽ không còn phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã khuyến nghị các địa phương rà soát toàn bộ tên trường học. Những trường có tên không còn phù hợp nên được đổi sang tên địa danh mới hoặc tên danh nhân tiêu biểu gắn với địa phương.
Một số địa phương đã chủ động triển khai, như tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị), Trường tiểu học và THCS thị trấn Hải Lăng đã được đổi tên thành Trường Tiểu học và THCS Bùi Dục Tài, theo tên danh nhân địa phương. Cách làm này còn góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho học sinh.

“Trường THPT thị xã Quảng Trị” - ngôi trường có lịch sử 50 xây dựng và phát triển (1975 - 2025), cần xem xét nhiều yếu tố lịch sử, truyền thống khi đặt tên.
Cô Vì Thị Hằng, Trường Tiểu học Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: “Trong tương lai việc sáp nhập các xã được triển khai có thể kéo theo việc điều chỉnh thông tin hành chính của học sinh, như giấy tờ, hồ sơ. Đây là điều chúng tôi cũng lo lắng, bởi chỉ cần một chút sai sót trong giấy tờ cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập hay làm thủ tục của học sinh sau này”.
“Chúng tôi mong muốn rằng nếu có sáp nhập xã, các trường học vẫn được giữ nguyên địa điểm hiện tại để đảm bảo việc đi lại thuận tiện cho học sinh. Trên thực tế, khoảng cách giữa các điểm trường ở đây khá xa nhau, nếu dồn về một địa điểm thì sẽ rất bất tiện, nhất là với học sinh ở vùng cao, vùng sâu. Chủ trương sáp nhập hiện vẫn chưa triển khai cụ thể đến từng bản, từng xã, nhưng nếu có thay đổi lớn thì cần lắng nghe và tính toán kỹ lưỡng để tránh gây xáo trộn ảnh hưởng đến học sinh”, cô Vì Thị Hằng, Trường Tiểu học Lóng Luông đề xuất.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Trong lĩnh vực giáo dục, sáp nhập không chỉ là câu chuyện đặt tên trường mà phải đi kèm với tái cấu trúc hệ thống trường học và nguồn lực con người. Nếu không có quy hoạch bài bản, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ, quá tải cho đội ngũ quản lý ở cơ sở là rất rõ ràng”. Vị chuyên gia này phân tích thêm, một xã sau sáp nhập có thể quản lý đến 5 - 7 điểm trường, mỗi điểm lại ở địa bàn khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội không đồng đều. Nếu không có chiến lược phân cấp, phân quyền rõ ràng, hiệu quả quản lý sẽ khó đảm bảo. Bộ GD-ĐT và các địa phương cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để xã đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực thực hiện.
Một xã quản lý nhiều trường liệu có quá tải, ảnh hưởng đến người học?
Để đảm bảo cho hoạt động giáo dục và đào tạo thông suốt, không ảnh hưởng đến quyền người học, đầu tháng 4, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1581/BGDDT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để điều tiết chung, xử lý thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường mầm non, tiểu học và THCS.
Một vấn đề khác đặt ra sau sáp nhập là việc chuyển giao quản lý các trường mầm non, tiểu học và THCS về cấp xã. Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục sẽ được giữ nguyên và giao cho chính quyền cấp xã mới quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc một xã có thể quản lý cùng lúc nhiều trường học.
Sau khi sáp nhập, một xã có thể phải quản lý nhiều trường học hơn trước. Điều này đặt ra thách thức trong việc tổ chức lại hệ thống giáo dục, đảm bảo chất lượng giảng dạy và quản lý hiệu quả.

Cần có phương án tổ chức chặt chẽ, kế hoạch chi tiết, đảm bảo chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng.
Tại xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn (Hà Giang), sau khi sáp nhập với các xã lân cận như Phố Bảng, Phố Cáo, các trường học trên địa bàn vẫn cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức như trước. Ông Dương Văn Nghị, Chủ tịch xã Lũng Thầu cho biết: “Việc một hiệu trưởng kiêm nhiệm quản lý nhiều điểm trường đã được thực hiện tại địa phương sau sáp nhập. Tinh gọn bộ máy quản lý giúp tập trung nguồn lực, tạo thuận lợi cho phát triển giáo dục”. Tuy nhiên, việc địa bàn quản lý rộng hơn sẽ đòi hỏi các phương án tổ chức chặt chẽ, kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng. Theo ông Nghị, chính việc “giữ ổn định trường lớp” giúp cho hoạt động giáo dục ở vùng cao không bị ảnh hưởng tiêu cực sau sáp nhập.
Ở chiều ngược lại, nhiều địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Minh Định, Chủ tịch UBND xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: “Hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuyển giao quản lý trường học cho cấp xã. Dự kiến các văn bản này sẽ được ban hành vào tháng 6 tới, sau khi hoàn tất việc sáp nhập xã”.
Dù đang trong giai đoạn chuyển giao, nhưng Bộ GD-ĐT khẳng định quyền lợi của học sinh sẽ không bị ảnh hưởng. Các công việc liên quan đến xét tốt nghiệp THCS, xét hoàn thành chương trình tiểu học, tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT đều sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025- thời điểm mô hình chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động.