Sau sáp nhập, 'thủ phủ' miền Tây gạo trắng nước trong càng thêm mặn mà
Không chỉ các điểm đến quen thuộc như bến Ninh Kiều hay chợ nổi Cái Răng, du lịch Cần Thơ sau sáp nhập giờ đây là bức tranh tổng thể, với cả cảnh quan thiên nhiên và chiều sâu văn hóa.
Công cuộc "sắp xếp lại giang sơn" không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong công tác tổ chức hành chính của đất nước mà còn chứng kiến một cuộc tái ngộ ngoạn mục.
Trên cơ sở sáp nhập với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ mới có diện tích 6.360,83 km2 và quy mô dân số trên 4 triệu, trở thành đầu tàu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đồng bằng sông Cửu Long.
Điều thú vị là, trong lịch sử hình thành và phát triển kể từ khi được khai mở vào năm 1739, Cần Thơ từng là một phần của Hậu Giang.
Hai địa danh này sau đó đã trải qua vài lần tách - nhập trước khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Hậu Giang là một tỉnh sở hữu vị trí chiến lược nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với Sóc Trăng, vùng đất này cũng từng hợp nhất với Cần Thơ để thành tỉnh Hậu Giang, và chính thức hoạt động với tư cách một tỉnh kể từ năm 1991.

Ảnh minh họa.
Sau sáp nhập, giờ đây Sóc Trăng và Hậu Giang lại trở thành một phần của thành phố Cần Thơ mới. Sự kiện này không chỉ tạo dấu ấn lớn trong hệ thống quản lý mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch vượt trội.
Thành phố Cần Thơ mới – thủ phủ miền Tây "gạo trắng nước trong" – nay càng có thêm nhiều nét mặn mà. Việc 3 địa phương tái hợp sẽ giúp mở rộng không gian phát triển du lịch, không còn bị bó hẹp trong từng địa phương riêng lẻ.
Không chỉ các điểm đến quen thuộc như bến Ninh Kiều hay chợ nổi Cái Răng, du lịch Cần Thơ sau sáp nhập giờ đây là bức tranh tổng thể gồm cả rừng sinh thái, văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống cũng như ẩm thực đặc trưng.
Hệ thống giao thông đường bộ được cải thiện đáng kể với các tuyến Quốc lộ 1A, Nam sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ 61, 61B và đặc biệt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến hoàn thành năm 2026, giúp kết nối thuận tiện các điểm du lịch.
Đặc biệt, thành phố Cần Thơ mới sẽ sở hữu hơn 2/3 chiều dài sông Hậu trên tổng chiều dài con sông chảy qua nước ta, tạo thành tuyến đường sông lý tưởng để phát triển du lịch với chuỗi cồn và cù lao trải dài ra biển như: Cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu, cù lao Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước và Cù Lao Dung.
Việc quy hoạch không gian du lịch phù hợp cho từng cồn và cù lao sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp.
Với tư cách thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đang ra sức phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng về kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực cùng truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo để vươn lên đổi mới, xứng đáng với vị thế thành phố động lực, "đầu tàu" phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Minh Đức (T/h)