Nhìn lại chặng đường 50 năm sân khấu cải lương thành phố
Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt cuốn sách 'Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025' do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

Chương trình giao lưu trong buổi ra mắt cuốn sách “Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025” do Hội Sân khấu thành phố tổ chức. (Ảnh MẠNH HẢO)
Đây là công trình chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; là tư liệu quý giá giúp nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ thăng trầm của sân khấu cải lương thành phố, một loại hình nghệ thuật từng được xem là linh hồn của đời sống tinh thần phương Nam.
THỜI HOÀNG KIM
Trong danh mục những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm qua, hai vở cải lương “Người ven đô” (tác giả: Minh Khoa; chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm; đạo diễn: Minh Trị) và “Tiếng trống Mê Linh” (tác giả: Việt Dung-Vĩnh Điền; đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Y Linh) được nhắc đến như những dấu son đậm nét. Cả hai vở đều ra mắt vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên sức hút trong lòng giới mộ điệu; được không ít đơn vị nghệ thuật dàn dựng lại và tiếp tục được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả. Có thể nói, đây cũng là thời kỳ sân khấu cải lương thành phố phát triển rực rỡ nhất trong hành trình 50 năm qua. Trong cuốn sách “Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giai đoạn 1975-1990 là thời kỳ cải lương thành phố phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Bằng tinh thần yêu nước kết hợp với một số điều kiện mới, cải lương thành phố giai đoạn này đã tiếp tục phát huy những thành quả đạt được ở các giai đoạn trước, đặc biệt là các thành tựu của thời kỳ 1954-1975 để có bước phát triển mới rất tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Lực lượng cải lương thành phố lúc này gồm các nguồn là nghệ sĩ tại chỗ, nghệ sĩ từ chiến khu ra, từ ngoài bắc vào cùng với hơn 20 đơn vị chính quy-chuyên nghiệp; tạo ra cho sân khấu cải lương những chuyển động mạnh mẽ chưa từng có. “Nhìn chung các loại hình nghệ thuật ở giai đoạn này đều như bừng lên sinh khí mới, đáng chú ý, số lượng khán giả đến với cải lương vẫn là con số đông đảo, sôi động nhất. Từ trong các rạp hát cho đến sân bãi ngoài trời, mỗi suất hát cải lương với vài ngàn vé lúc này là chuyện bình thường”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng cho biết.
Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Dũng, người có nhiều năm nghiên cứu về sân khấu cải lương, cải lương Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến 1990 tạo được sức sống mới với sự phát triển toàn diện từ tác phẩm, khán giả và nghệ sĩ; sau năm 1975 có sự đổi mới cả hình thức lẫn nội dung. Những tác phẩm về đề tài lịch sử Việt Nam, các đề tài cách mạng, tâm lý xã hội, phê phán hiện thực,… được tác giả và đạo diễn miêu tả chân thật, mang hơi thở cuộc sống đã khiến cho khán giả dễ dàng cảm nhận vẻ đẹp, tính triết lý nhân văn mà những vở diễn mang lại. Những vở diễn như “Đời cô Lựu”,“Sân khấu về khuya”, “Người ven đô”, “Tiếng trống Mê Linh”, “Tìm lại cuộc đời”, “Tiếng hò sông Hậu”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Nàng Hai Bến Nghé”, “Tâm sự Ngọc Hân”… vẫn còn ghi sâu trong lòng khán giả dù thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
CẢI LƯƠNG CẦN THÍCH NGHI VỚI THỜI ĐẠI
Trong cuốn “Sân khấu cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975-2025”, bên cạnh ghi nhận những điểm sáng của cải lương thành phố 50 năm qua, các tác giả, nhà nghiên cứu cũng phản ánh cụ thể về quá trình “đi xuống” của môn nghệ thuật này từ giai đoạn sau năm 1990 đến nay; đồng thời nêu lên những nguyên nhân cụ thể đã làm giảm sức hút của cải lương trong đời sống nghệ thuật ngày nay. Một thời gian dài, cải lương chủ yếu chỉ còn một số hoạt động mang tính “cầm chừng”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển về khoa học-công nghệ, mạng xã hội đã tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí hấp dẫn, dẫn đến thị hiếu khán giả thay đổi, không còn xem cải lương là sự lựa chọn số một như trước đó. Những vở diễn không còn giữ được chất lượng, sức hấp dẫn cùng sự thiếu vắng những gương mặt nổi bật cũng làm cho khán giả ít “mặn mà” với môn nghệ thuật truyền thống này.
Để có sức sống mới, theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, cải lương cần đổi mới để phát triển phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của công chúng hiện nay. Cải lương cần có sự chung tay của nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và khán giả. Điều này đòi hỏi những người làm nghề phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cải lương luôn luôn mới, không bị đóng khung. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Ca Lê Hồng cho rằng, cải lương cần phát triển theo cả hai hướng “tĩnh” và “động”. “Tĩnh” là chúng ta giữ lại những tinh hoa, giá trị của nghệ thuật cải lương trong hơn 100 năm qua; còn “động” là phải để cho cải lương tiếp tục phát triển, tự “sửa đổi” để phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hôm nay. Bên cạnh đó, công tác đào tạo diễn viên cũng phải thay đổi sao cho phù hợp, nhằm cung cấp cho thành phố một lớp diễn viên giỏi nghề, nhiều đam mê và có phong cách riêng.
Trao đổi về giải pháp phát triển cải lương trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng cho rằng, “lối thoát” cho các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, cải lương nói riêng chính là gắn các loại hình nghệ thuật này vào con đường phát triển công nghiệp văn hóa với trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa. Thành phố cần xây dựng những chương trình sân khấu chuẩn mực để tạo ra một sản phẩm văn hóa độc đáo, có bản sắc riêng nhằm thu hút du khách.
Theo Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần thành lập Ban nghiên cứu và phát triển cải lương để có thể đánh giá toàn diện về môn nghệ thuật này, từ đó hình thành cơ sở lý luận vững chắc giúp đổi mới cải lương một cách bài bản, khoa học; làm sao cho cải lương vừa giữ được tinh hoa, vừa tiếp cận, thu hút được khán giả trẻ và tiếp tục phát triển bền vững cùng thời đại