Sau sáp nhập tỉnh, các trường đại học có nên đổi tên?
Sau sáp nhập tỉnh, thành, câu hỏi được đưa ra thảo luận là liệu rằng có nên đổi tên các trường đại học theo tên tỉnh, thành mới để dễ nhận diện?
Việc trường đại học vẫn mang tên tỉnh, thành cũ khi không còn tồn tại về mặt hành chính, có thể gây nhầm lẫn về vị trí địa lý, không phản ánh đúng đơn vị hành chính hiện hành, gây khó khăn trong công tác thống nhất quản lý hệ thống giáo dục.

Trường đại học cần phát triển các không gian sáng tạo giúp giữ chân sinh viên sau tốt nghiệp. (Ảnh: Trần Xuân Tiến)
Nếu đổi tên, sẽ tăng tính nhận diện, đồng thời trở thành biểu tượng giáo dục mới cho tỉnh, thành mới sau sáp nhập. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học nâng cấp hình ảnh, xây dựng định hướng phát triển mới, gắn với chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh, thành mới.
Tuy vậy, nếu đổi tên sang tỉnh, thành mới, các trường đại học địa phương cũng đứng trước nhiều thách thức. Tên trường là tài sản thương hiệu được bồi đắp, công nhận qua lịch sử hình thành, phát triển.
Khi đổi tên, không chỉ hình ảnh nhận diện, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định giáo dục,… bị ảnh hưởng, mà tâm tư tình cảm của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, người dân địa phương cũng bị xáo trộn.
Ngoài ra, cũng cần tính đến vấn đề thủ tục, chi phí liên quan đến thay đổi con dấu, giấy phép, bằng cấp, văn bằng, quản lý hồ sơ, website,…
Và về tổng thể hệ thống giáo dục đại học cả nước, việc đổi tên hàng loạt các trường đại học ở nhiều địa phương dễ dẫn đôi chút chưa quen trong thời gian đầu.
Hoạt động chưa hiệu quả
Thực tế, những năm trở lại đây, nếu không tính các trường đại học địa phương đóng tại các thành phố, thì các trường đại học trực thuộc tỉnh đều chung tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Hàng loạt nguyên nhân đã được chỉ ra: Thiếu đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế; các ngành đào tạo vẫn mang tính truyền thống, chưa hấp dẫn người học; cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng thực hành, thực tập; nguồn thu chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào học phí, ngân sách của địa phương, nhiều trường thậm chí rơi vào hoàn cảnh nợ lương cán bộ, giảng viên.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các trường đại học lớn (cả công lẫn tư) ở các thành phố trung tâm cũng là lý do khiến cho người học không còn mặn mà với các trường đại học địa phương.
Giao thông đi lại thuận tiện, ngành học đa dạng, chương trình đào tạo cập nhật xu hướng thị trường và doanh nghiệp, cơ sở vật chất hiện đại, tiếp cận trao đổi quốc tế,… là những điểm sáng thu hút người học về phía các trường đại học ở các thành phố trung tâm.
Hướng đi nào?
Không có câu trả lời chung cho việc đổi tên các trường đại học địa phương sau sáp nhập tỉnh, thành. Rõ ràng, ở mỗi trường hợp cụ thể, chúng ta cần đánh giá thận trọng dựa trên các tiêu chí: giá trị thương hiệu hiện có, nguồn lực đào tạo, định hướng phát triển của tỉnh, thành mới, nguyện vọng và khả năng thích ứng của giảng viên, sinh viên, người dân địa phương.
Có nên đổi tên trường hay không, còn tùy vào nội lực thương hiệu của từng trường và bối cảnh chủ trương của từng địa phương. Nhưng chắc chắn, đổi mới chất lượng hoạt động là điều kiện sống còn.
Đây là thời điểm thích hợp để tái cấu trúc toàn diện, chuyển mình từ một đơn vị đào tạo theo khả năng sang mô hình giáo dục phục vụ nhu cầu xã hội.
Các trường cần xác định rõ vai trò trong hệ sinh thái phát triển của tỉnh, thành mới để xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, ứng dụng chuyên sâu, phục vụ trực tiếp các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc thù của địa phương.
Thay vì đào tạo những gì mình có, nhà trường cần chuyển sang đào tạo những gì xã hội cần, cung cấp dịch vụ đào tạo ngắn hạn, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sở tại.
Nhà trường cũng cần phát triển các không gian sáng tạo, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trẻ, vườn ươm công nghệ,... giúp giữ chân sinh viên sau tốt nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo cơ hội làm thêm cho sinh viên khi đang theo học.
Và cuối cùng, phải đa dạng hóa nguồn thu (chẳng hạn như: dịch vụ giáo dục, hợp tác nghiên cứu, đào tạo ngắn hạn, liên kết doanh nghiệp,…) giúp trường tồn tại, phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh cao.
Nếu thấy cần thiết phải đổi tên trường, cần thực hiện đồng bộ với một chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp (cả truyền thông nội bộ lẫn truyền thông đối ngoại) để không chỉ nhằm giải thích lý do, giới thiệu bộ nhận diện thương hiệu mới, khẳng định vị thế, quảng bá tầm nhìn dài hạn mà còn giúp giảm thiểu sự xáo trộn về độ nhận diện, duy trì sự đồng thuận, lòng tin của giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp và các đối tác.
Việc đổi tên không phải chỉ là thay vỏ thương hiệu, mà phải gắn với đổi mới thực chất trong chất lượng đào tạo, tầm nhìn phát triển, tạo nên một hình ảnh mới nhưng không đánh mất giá trị cốt lõi đã gây dựng trong quá khứ.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-sap-nhap-tinh-cac-truong-dai-hoc-co-nen-doi-ten-321150.html