Sau sắp xếp đơn vị hành chính: Việc bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư còn chậm

Nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Cả nước giảm 3.437 cơ quan cấp xã, 429 cơ quan cấp huyện

Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời thể chế hóa trong các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp ĐVHC. Trên cơ sở đó, Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của ĐVHC để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã. Việc xây dựng Đề án bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định; các phương án sắp xếp đều được lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và HĐND ở các ĐVHC liên quan trực tiếp.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC hình thành sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 653 và các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC của mỗi địa phương. Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Ông Tùng cho hay, Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình và cam kết, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp ĐVHC trong thời hạn quy định. Theo đó, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống.

Việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí; thực hiện khi người dân có nhu cầu hoặc kết hợp thực hiện cùng các chương trình, chính sách khác, như Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Hoạt động kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính đã được các địa phương chú trọng để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ và công bố mới các thủ tục, được đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, trên trang thông tin điện tử của ngành, địa phương.

Bố trí cán bộ dôi dư sau sắp xếp còn lúng túng

Tuy nhiên, qua giám sát, Đoàn giám sát cũng nhận thấy việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Tùng, công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các ĐVHC mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan. Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số ĐVHC đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với ĐVHC nông thôn chưa được bảo đảm; sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.

“Trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ. Từ những điều trên cho thấy, việc sắp xếp ĐVHC nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách là mục tiêu sẽ đạt trong dài hạn, còn ở giai đoạn ngay sau khi sắp xếp, vẫn cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các ĐVHC sớm ổn định về tổ chức và hoạt động, có nền tảng ban đầu để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, để người dân cảm thấy được ngay tác dụng, hiệu quả tích cực của việc sắp xếp ĐVHC”-ông Tùng cho hay.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-viec-ban-dau-gia-tru-so-tai-san-cong-doi-du-con-cham-5696359.html