Sau sinh mẹ có nên bịt tai?
Theo quan niệm dân gian của người Việt, bà mẹ sau sinh cần kiêng cữ rất nhiều để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Sinh con đầu lòng, chị H.T.H ở Bắc Giang được mẹ chồng nhắc phải kiêng cữ để giữ gìn sức khỏe sau sinh. Nghe lời mẹ chồng, chị H. luôn mặc quần áo dài, đi tất, bịt bông tai… dù lúc đó vẫn đang mùa nắng nóng. Chị H. nói, nhét bông vào tai rất khó chịu vì luôn có cảm giác ù ù ở tai. Chị rất muốn bỏ ra nhưng ngơi một chút là mẹ chồng chị lại nhắc nhở khiến chị cảm thấy không thoải mái.
Không chỉ chị H., nhiều sản phụ sau khi sinh con cũng được những người lớn trong nhà truyền kinh nghiệm kiêng cữ sau sinh. Không được tắm gội hàng ngày, hạn chế sử dụng điện thoại, xem TV, ăn uống kiêng khem… là những điều khiến các bà mẹ trẻ cảm thấy khó chịu.
Có nên bịt tai sau sinh?
Việc kiêng cữ, bịt tai sau sinh bắt nguồn từ quan niệm của các cụ thời xưa. Khi đó phòng ở, nhà cửa không được kín, để tránh gió lùa, tiếng ồn… là những nguyên nhân gây ù tai, đau đầu, khó chịu dễ dẫn đến tâm lý căng thẳng. Vì vậy, các mẹ mới sinh vẫn thường được nhắc nhở phải bịt bông tai hoặc quàng khăn che kín tai.
BSCKII. Phạm Văn Tự, Phó trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: Tất cả các cơ quan của người phụ nữ sau khi mang thai đều trải qua quá trình làm việc vất vả, vì vậy cần phải có thời gian để hồi phục. Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ sẽ nhắc nhở sản phụ phải giữ gìn, kiêng cữ sau sinh, trong đó có việc nhét bông vào tai. Điều này hoàn toàn nên làm vì khi nhét bông vào tai, tức là tai sẽ ít phải tiếp xúc với âm thanh, ít phải làm việc hơn. Vì thế có thời gian, năng lượng để phục hồi tốt nhất.
Không nên bịt tai quá lâu
Tuy nhiên, theo khoa học hiện đại thì việc bịt tai trong thời gian dài không có khả năng bảo vệ cho bà mẹ sau sinh. Ngược lại có thể gây bí bách, ảnh hưởng đến khả năng nghe của mẹ. Bịt thường xuyên có thể khiến tai bị bẩn, nhiễm vi khuẩn. Để an toàn, chỉ nên bịt tai trong tháng đầu tiên, không nên bịt tai kéo dài quá 100 ngày. Thời gian này có thể điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và điều kiện thời tiết. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng bức, mẹ có thể tùy vào tình trạng sức khỏe của mình để thực hiện việc kiêng cữ. Nếu ở trong môi trường yên tĩnh, kín gió thì không cần bịt tai để tránh làm suy giảm khả năng nghe của tai.
Khi bịt tai, không nên dùng miếng bông quá dày, không đút quá sâu vì có thể làm miếng bông lọt vào trong lỗ tai.
Giúp mẹ phục hồi nhanh chóng sức khỏe sau sinh
Uống nhiều nước
Trong giai đoạn cho con bú, lượng nước nạp vào cơ thể người mẹ cần khoảng 2-4 lít/ngày. Mẹ nên uống nước ấm sẽ giúp tăng tiết sữa tốt hơn, tránh nguy cơ bị sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Vận động nhẹ nhàng sau sinh
Phụ nữ sau sinh chưa nên vận động với cường độ nặng nhưng cần vận động thích hợp giúp giảm tỷ lệ đau lưng, giảm stress, khắc phục tình trạng táo bón, bí tiểu, rút ngắn thời gian phục hồi sau sinh.
Luyện tập phù hợp còn giúp ngăn ngừa các biến chứng sau khi sinh con, giúp tử cung co hồi tốt, sản dịch sớm được tống xuất hết ra ngoài, hạn chế đau lưng…
Đối với mẹ sinh thường, sau một tháng là có thể vận động nhẹ nhàng. Sau hai tháng có thể tập một số bài tập phù hợp giúp lấy lại vóc dáng.
Đối với mẹ sinh mổ, trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh mẹ có thể tham khảo thêm những bài tập nhẹ nhàng kết hợp với việc đi bộ để giúp da săn chắc lại. Sau thời gian đẻ mổ khoảng 4 tháng mới được bắt đầu tập thể dục. Điều này phụ thuộc vào thể trạng cá nhân từng mẹ cũng như độ phục hồi của vết mổ.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Để đảm bảo sức khỏe, khi rảnh rỗi, hãy nằm xuống và nghỉ ngơi, thư giãn mặc dù cơ thể không cảm thấy mệt mỏi. Vào ban đêm, mẹ có thể nhờ sự trợ giúp từ bố hoặc gia đình để có thể nghỉ ngơi thêm.
Giai đoạn này mẹ cần hạn chế các thức uống có chất gây kích thích như cà phê và một số loại trà vì có thể gây mất ngủ, lâu dài có thể gây nên tình trạng suy nhược cơ thể.
Ăn đủ bữa và đa dạng
Sau sinh, cơ thể cần một nguồn năng lượng và dinh dưỡng rất lớn để phục hồi. Vì vậy, sản phụ nên ăn các thực phẩm nhiều dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa… Tuyệt đối không được bỏ bữa vì có thể gây hạ đường huyết, lâu dài gây viêm loét dạ dày… Có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày đề tăng cường dinh dưỡng(3-6 bữa/ngày, gồm 3 bữa chính và các bữa phụ).
Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, không nên quá kiêng cữ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm với 4 nhóm chất: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Sinh nở khiến sản phụ mất một lượng máu lớn, dẫn đến hiện tượng thiếu máu, thiếu sắt. Vì vậy, cần bổ sung sắt trong chế độ ăn hàng ngày. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như gan, thịt bò, thịt gà, hải sản có vỏ cứng, trứng, đậu phụ, các loại đậu, rau sẫm màu (cải bó xôi, bông cải xanh, rau cải ngọt…).
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Sau sinh, các bà mẹ thường có tâm lý lo lắng, lo không đủ sức khỏe để chăm con, lo không đủ sữa hoặc con hay quấy khóc… khiến tâm lý căng thẳng, dễ dẫn đến trầm cảm. Do đó, ngoài sự ủng hộ và chăm sóc từ người thân, giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu gặp phải vấn đề về tâm lý, các mẹ đừng nên lo sợ hoặc mặc cảm, hãy tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ và tư vấn.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-sinh-me-co-nen-bit-tai-169221013232502145.htm