Sau Sóc Trăng, doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục kết nối giao thương với DN Cà Mau

Hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư

Ngày 24/4, UBND tỉnh Cà Mau và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Hội nghị gặp gỡ này nhằm trao đổi, thảo luận, giao lưu, kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp Trung Quốc.

 Các đại biểu tham gia Hội nghị gặp gỡ.

Các đại biểu tham gia Hội nghị gặp gỡ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài 254km, rất thuận lợi trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Chưa dừng lại ở đó, tỉnh còn có khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới cùng những lễ hội dân gian đặc sắc và ẩm thực phong phú. Những đặc điểm này là lợi thế để Cà Mau thu hút du khách và phát triển du lịch.

Về nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm của Cà Mau cũng đã khẳng định được thương hiệu chất lượng tại thị trường nội địa và quốc tế. Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000 ha. Theo đó, sản lượng tôm lớn nhất cả nước và kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Nhiều năm qua, công nghiệp chế biến thủy sản đã được chú trọng và đạt được những thành tựu đáng kể.

 Ông Ngụy Hoa Tường cho biết, hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Ông Ngụy Hoa Tường cho biết, hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó, sản xuất điện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM cho raừng, buổi gặp gỡ kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau là hoạt động rất thiết thực. Bởi theo thống kê, hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Ông Ngụy Hoa Tường cũng đánh giá, tỉnh Cà Mau có nhiều mặt hàng, sản phẩm OCOP có thương hiệu, chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu. “Trung Quốc là thị trường lớn với khoảng 1,4 tỷ dân nên có nhu cầu rất lớn các mặt hàng nông sản, thủy sản chất lượng cao đối với du lịch cộng đồng. Do vậy thời gian tới, doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cần quan tâm tìm hiểu về phong tục, văn hóa của nhau để có cơ hội hợp tác lâu dài, thiết thực, tạo phúc lợi cho người dân hai bên”, ông Ngụy Hoa Tường nói.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM nói rằng, ông sẵn sàng làm cầu nối để doanh nghiệp hai bên kết nối giao thương, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

Tại hội nghị, ông Ngụy Hoa Tường cũng đã chia sẻ về 4 chữ Thân, Thành, Hợp, Dung trong việc hợp tác. Ông Ngụy Hoa Tường nói: “Về chữ Thân, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng thân thiết, hữu nghị. Chữ Thành có nghĩa là thành thực, chân thành, thành tín trong việc hợp tác. Hôm qua tôi và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trao đổi về tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa hai bên. Cuộc trao đổi đã diễn ra rất cởi mở và chân thành. Chữ Hợp là hai bên có những hợp tác để tao phúc lợi cho người dân. Còn chữ Dung có nghĩa là tôn trọng lẫn nhau, bao dung lẫn nhau để có cơ hội hợp tác lâu dài”.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau đã chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm, những lợi thế, tiềm năng của mình để hai bên có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các doanh nghiệp cũng như giới thiệu các sản phẩm để cùng nhau kết nối, giao thương. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Cà Mau. Ngược lại, các doanh nghiệp Cà Mau có thể tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc.

Sau khi nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu, các sở, ngành tỉnh ghi nhận các ý kiến trao đổi của các doanh nghiệp; khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn và sớm trả lời cho doanh nghiệp.

Còn nhiều tiềm năng hợp tác

Là người trực tiếp tham dự Hội nghị gặp gỡ theo lời mời của Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Sau thành công của cuộc gặp mặt doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và đoàn doanh nghiệp Trung Quốc được tổ chức bởi sáng kiến của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường và Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng hồi tháng trước, tôi lại vừa được chứng kiến cuộc gặp mặt sôi động và thành công tại đất mũi Cà Mau”.

 TS.Trần Khắc Tâm tham dự hội nghị gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.

TS.Trần Khắc Tâm tham dự hội nghị gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau.

Theo TS.Trần Khắc Tâm, số lượng doanh nhân Trung Quốc tham dự cuộc gặp mặt với doanh nhân tỉnh Cà Mau là hơn 100 người. Con số này gấp đôi cuộc gặp đầu tiên được tổ chức tại Sóc Trăng. Ông Ngụy Hoa Tường và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cùng thưởng thức món phồng tôm, một trong các mặt hàng sản xuất tại Cà Mau để xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Nhận thịnh tình của Tổng Lãnh sự, tôi tham gia đoàn và dự các cuộc chào xã giao lãnh đạo tỉnh (ngoài Cà Mau, đoàn cũng sẽ ghé Bạc Liêu), tham dự cuộc gặp mặt doanh nghiệp đôi bên. Ông Ngụy Hoa Tường giới thiệu tôi là người bạn quý mến chân thành đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công của các cuộc gặp mặt. Tôi chỉ dám nhận là một trong những người hăng hái tham gia việc kết nối, với mong muốn bắc thêm những nhịp cầu trong quan hệ đầu tư, làm ăn giữa doanh nghiệp đôi bên, làm sao tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… và khu vực ĐBSCL”, TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Vị này nói thêm, trong các cuộc gặp mặt, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và lãnh đạo tỉnh Cà Mau có chung nhận xét là sự hợp tác đầu tư của Trung Quốc vào các tỉnh tuy không ngừng phát triển nhưng vẫn còn dưới tiềm năng. Khi ĐBSCL đang phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, tái cơ cấu kinh tế theo hướng chuyên môn, bền vững…thì cơ hội hợp tác càng được mở ra.

Bạc Liêu kêu gọi các doanh nghiệp phát triển điện gió

Chiều 24/4, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.

Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu còn sở hữu lợi thế lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, chủ yếu là điện gió với tổng công suất hơn 460MWh/năm. Quan điểm của tỉnh Bạc Liêu là rất hoan nghênh các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Bạc Liêu sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài muốn phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

V.Chương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/sau-soc-trang-doanh-nghiep-trung-quoc-tiep-tuc-ket-noi-giao-thuong-voi-dn-ca-mau-87405.html