Sau Tết, những ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng cao?

Theo thống kê, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn đầu năm 2023 như: Vận tải - logistics; Dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; Công nghệ - thông tin...

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, với sự phục hồi tích cực của kinh tế trong năm 2022 và những ngày đầu năm 2023, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực trong quý I/2023.

Số liệu tổng kết cho thấy, sau Tết, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải – logistics; Dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; Công nghệ - thông tin; … với tổng nhu cầu tuyển dụng là khoảng 100.000 – 120.000 vị trí việc làm.

Người lao động và doanh nghiệp kết nối trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm của TP Hà Nội.

Người lao động và doanh nghiệp kết nối trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm của TP Hà Nội.

Theo ông Vũ Quang Thành, trong quý I, nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa tăng cao. Ước tính, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vận tải – logistics trong quý I/2023 là khoảng 14.000 – 18.000 vị trí, chủ yếu tuyển dụng ở các vị trí là lái xe, nhân viên kho, nhân viên điều vận...

Ngành Dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý I và những tháng tiếp theo. Nhiều chính sách, chương trình kích cầu du lịch được ban hành, thúc đẩy hoạt động của ngành phục hồi và tăng trưởng mạnh. Ước tính nhu cầu tuyển dụng của ngành khoảng 10.000 - 12.000 vị trí.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản ước tính khoảng 10.000 - 15.000 vị trí, trong đó tập trung tuyển dụng ở các vị trí nhân viên môi giới, nhân viên trực tổng đài, …

Hoạt động tài chính – ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000-20.000 vị trí với các vị trí nhân viên giao dịch, nhân viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhân viên thẩm định tài sản.

Đặc biệt, công nghệ thông tin vẫn là một lĩnh vực được dự báo có mức tăng trưởng cao trong năm 2023. Trong quý I, theo quan sát, các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ 12.000 – 15.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, nhân viên phát triển phần mềm, UI/UX, DA, BA, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, ...

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, thu thập thông tin để lên kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề phù hợp với các nhóm đối tượng.

Theo kế hoạch về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động. Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được đề ra như hỗ trợ phát triển thị trường lao động; giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Dự báo về bức tranh chung của thị trường lao động năm 2023, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục có những khó khăn, thách thức nhất định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động. Trong khi thị trường lao động trong nước vẫn chưa thực sự phát triển ổn định và bền vững trước những biến động từ bối cảnh xung quanh, thì bài toán đảm bảo cân đối thị trường lao động vẫn khá khó khăn. Trong đó, đầu năm 2023 vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu việc làm cục bộ. Một bộ phận lao động ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, linh kiện điện tử vẫn có thể thiếu việc làm.

Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể phải đối mặt với một thách thức khác như có thể nhu cầu lao động của doanh nghiệp về tổng thể cao hơn, nhưng số lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì chưa phải là tất cả. Cuối cùng, thách thức về việc làm bền vững vẫn đang làm vấn đề đặt ra khi nhiều lao động nhảy việc, bỏ việc, chất lượng lao động không cao, đời sống người lao động thấp... Những thách thức này đang tác động trực tiếp tới thị trường lao động./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sau-tet-nhung-nganh-nghe-nao-co-nhu-cau-tuyen-dung-cao-post1000561.vov