Sáu tháng có 1 triệu tỷ vào kho: Kinh tế khó khăn, ngân sách thặng dư
Dù thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, nhưng thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng rất cao.
Báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 7/7, Bộ Tài chính cho biết: Lũy kế đến hết tháng 6, thu ngân sách nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán cả năm.
Tổng chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Như vậy, ngân sách 6 tháng đầu năm 'thặng dư' đáng kể.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá: Trong năm 2021 dịch bệnh diễn ra rất phức tạp nhưng nhiệm vụ thu ngân sách vẫn được hoàn thành, vượt 64% so với dự toán và đạt kết quả rất tốt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục phát huy kết quả của năm 2021 với mức tăng trưởng 6,42%, thu ngân sách đã đạt hơn 66%, tăng trưởng xuất khẩu trên 17%, xuất siêu gần 1 tỷ USD... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Bộ trưởng cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong gói kích cầu và các chính sách miễn, giảm, giãn thuế khác ước khoảng 64 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay tất cả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đã tăng lên trên 88 nghìn tỷ đồng. Ngày 6/7, Thường vụ Quốc hội quyết định giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và như vậy sẽ giảm thêm 7 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đang trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, các chính sách này nếu được thông qua ước sẽ giảm thêm 35 nghìn tỷ đồng. Như vậy tổng mức giảm có thể lên tới 126 nghìn tỷ đồng.
"Đây là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay", Bộ trưởng Tài chính nói. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo chi và thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Tài chính.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, chưa bao giờ chỉ trong trong 6 tháng đầu năm ngành tài chính triển khai nhiều chính sách tài khóa đến vậy. Bộ Tài chính đã vào cuộc rất chủ động, tích cực, dành nhiều thời gian để nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Nhiều chính sách do Bộ Tài chính tham mưu, ban hành đã phát huy hiệu lực hiệu quả, được dư luận đánh giá tốt như: Nghị định số 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Nghị định số 34 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Nghị quyết số 18 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Thông tư giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm...
Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù các kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022 là rất tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đòi hòi chúng ta phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Mục tiêu nhất quán là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống người dân.
Các khoản thu ngân sách tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Hà
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính, các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến rất nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra như: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới.
Chính phủ vừa trình UBTVQH vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để triển khai kịp thời trong kỳ điều hành sắp tới (11/7). Đối với những sắc thuế khác đối với xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tối huệ quốc), Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để đề xuất giải pháp phù hợp.
Đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng xăng dầu.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm. Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá, cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra. Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục bám sát quá trình xử lý để kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh để sớm ban hành, để thị trường trái phiếu hoạt động minh bạch, hiệu quả.