Sáu tháng hứng 'đòn' trừng phạt rộng rãi từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn yên ổn?

Ngay sau khi phương Tây tung ra 'mưa' trừng phạt với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng, các biện pháp này đã khiến nền kinh tế Nga sa sút và lao đao. Sáu tháng sau, Nga đang cho thấy một bức tranh kinh tế hỗn hợp.

Kinh tế Nga dường như vẫn chưa sụp đổ bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. (Nguồn: The Moscow Times)

Kinh tế Nga dường như vẫn chưa sụp đổ bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. (Nguồn: The Moscow Times)

Trong khi hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng, Nga đang phải gánh chịu thiệt hại thực sự bởi các lệnh trừng phạt thì nền kinh tế quốc gia này dường như vẫn chưa sụp đổ.

Sự sụt giảm giá trị ban đầu của đồng Ruble nhanh chóng đảo ngược sau khi chính phủ nước này hạn chế giao dịch tiền tệ. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể và Moscow tiếp tục kiếm được hàng tỷ USD mỗi tháng từ xuất khẩu dầu và khí đốt.

Ở Moscow và St.Petersburg, các nhà hàng và quán bar vẫn nhộn nhịp, các cửa hàng tạp hóa luôn có hàng, ngay cả khi giá cả tăng vọt.

Khi chính quyền Nga tiến hành tổ chức lễ hội, các buổi hòa nhạc ủng hộ Điện Kremlin và trại quân sự cho trẻ em vào mùa Hè này, các dấu hiệu về thiệt hại kinh tế dường như không được cảm nhận ở Moscow.

Một chủ quán bar ở Moscow cho rằng, anh đang đương đầu với thực tế mới. Anh nói: “Tất nhiên, nhiều công ty và nhà phân phối đã rời bỏ thị trường Nga, nhưng các lựa chọn thay thế đang xuất hiện mỗi ngày”

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Nga sẽ giảm 6% trong năm nay - mức giảm mạnh, nhưng ít hơn con số 10% mà một số nhà kinh tế dự báo ban đầu.

Các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cảnh báo, nền kinh tế Nga đang suy yếu, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, lệnh trừng phạt từ phương Tây đã thất bại.

Sản xuất ô tô và các mặt hàng khác giảm mạnh do các công ty không thể nhập khẩu linh kiện. Các hãng hàng không đã cắt giảm các chuyến bay quốc tế xuống gần bằng 0 và đang sa thải phi công, thậm chí, phải ngừng hoạt động một số máy bay để lấy những thiết bị không thể mua được từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, hàng ngàn người có học vấn cao đã rời khỏi đất nước; hàng trăm công ty nước ngoài, bao gồm Ikea và McDonald's đã đóng cửa và ngân sách liên bang của Nga trong tháng 7 có dấu hiệu kiệt quệ.

Maxim Mironov, nhà kinh tế người Nga tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid (Tây Ban Nha) cho biết, các biện pháp trừng phạt đang có hiệu quả, nhưng chậm hơn nhiều so với những gì mọi người mong đợi cách đây sáu tháng.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, để gây thêm thiệt hại, Liên minh châu Âu (EU) phải cắt giảm huyết mạch chính của Nga: doanh thu xuất khẩu dầu và khí đốt. Mỹ và Vương quốc Anh đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng châu Âu, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga chỉ đang hạn chế mua dầu Nga.

Nhà Trắng cũng đang đề xuất việc giới hạn giá dầu Nga trên toàn thế giới, điều này sẽ buộc Moscow phải bán với giá chiết khấu so với giá toàn cầu.

Bức tranh ảm đạm đang diễn ra ở tỉnh Tikhvin, một thị trấn cách St.Petersburg 114 dặm về phía Đông, nơi nhà máy sản xuất đồ nội thất Ikea và nhà máy ô tô chở hàng Tikhvin (TVSZ) đã ngừng sản xuất.

Ikea đã cùng với hàng trăm công ty phương Tây khách đã rút khỏi thị trường Nga sau khi nước này xảy ra xung đột với Ukraine.

TVSZ đã buộc phải ngừng dây chuyền lắp ráp sau khi một nhà cung cấp quan trọng của Mỹ-Timken có trụ sở tại Ohio đình chỉ hoạt động tại Nga vào tháng 3. Hàng chục doanh nghiệp nhỏ liên kết với nhà máy-bao gồm các công ty vận tải và nhà cung cấp thực phẩm - tại thị trấn 58.000 người trên sông Tikhvinka, một tuyến đường thương mại có từ thế kỷ XV bị ảnh hưởng nặng nề.

Giám đốc TVSZ Yevgeny Kuzmenko nói với truyền thông địa phương vào tháng 6 rằng, công ty đang hy vọng tìm được một nhà sản xuất Nga thay thế.

Theo cơ quan thống kê nhà nước Nga, nhập khẩu linh kiện giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tất cả các loại hình sản xuất - nổi bật nhất là sản xuất ô tô, giảm gần 62% trong nửa đầu năm nay.

AvtoVAZ, hãng sản xuất chiếc xe Lada phổ biến của Nga, đã “đứng ngồi không yên” trong nhiều tháng do chủ sở hữu của hãng này là Renault đình chỉ hoạt động và sau đó bán 68% cổ phần của mình cho một tổ chức nhà nước Nga.

Phó trưởng kinh tế tại Viện Tài chính quốc tế Elina Ribakova cho hay, để giữ tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức khoảng 4%, Điện Kremlin đã yêu cầu các công ty cho công nhân nghỉ phép hoặc rút ngắn giờ làm việc thay vì nghỉ việc hoàn toàn.

Bà Elina Ribakova nói: “Điều đó sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn trong ngắn hạn nhưng không bền vững về lâu dài”.

Nga đã ngừng công bố nhiều số liệu thống kê kinh tế, gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt, nhưng gần đây, số liệu kinh tế trong quý II/2022 cho thấy, có dấu hiệu đáng lo ngại với nền kinh tế nước này.

Chuyên gia Maria Shagina tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho rằng, doanh số bán lẻ giảm 10% trong quý II/2022 so với một năm trước do người Nga hạn chế chi tiêu. Niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 và 78% người Nga không có kế hoạch mua sắm lớn.

Vào tháng 7, Nga đã báo cáo thâm hụt ngân sách liên bang 900 tỷ Ruble do một số nguồn thu thuế giảm. Nhà kinh tế Sergei Guriev nhận định, đây là một "khoảng cách lớn, rất lớn", tương đương 8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nhà kinh tế này nói thêm: “Tổng thống Putin đã kiếm được rất nhiều tiền trong những tháng đầu tiên xảy ra xung đột với Ukraine, khi giá dầu ở mức cao. Nhưng bây giờ các biện pháp trừng phạt bắt đầu phát huy tác dụng”.

Sự sụt giảm giá trị ban đầu của đồng Ruble nhanh chóng đảo ngược sau khi chính phủ nước này hạn chế giao dịch tiền tệ. (Nguồn: Getty Images)

Sự sụt giảm giá trị ban đầu của đồng Ruble nhanh chóng đảo ngược sau khi chính phủ nước này hạn chế giao dịch tiền tệ. (Nguồn: Getty Images)

Cách Nga "lấp đầy khoảng trống"

Theo Washington Post, một số biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã được chứng minh chưa thực sự hiệu quả.

Chuyên gia Shagina nói, việc châu Âu không nhanh chóng ngừng mua dầu của Nga, do sự phụ thuộc vào nước này là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. EU sẽ cấm hầu hết các hoạt động mua dầu thô của Nga trong tháng 12 và các sản phẩm dầu tinh chế vào tháng 2.

Ông Shagina nói: “Nếu EU nhắm mục tiêu vào dầu mỏ ngay từ đầu, khối có thể nhanh chóng nhận thấy Nga sẽ phải chịu những hậu quả to lớn".

Sự phục hồi giá trị của đồng Ruble cũng là một nỗi thất vọng với phương Tây. Sự lao dốc đồng nội tệ Nga khi các lệnh trừng phạt lần đầu tiên được áp dụng đã khiến người dân tại quốc gia này nháo nhào rút tiền từ các máy ATM. Ngân hàng trung ương Nga đã phản ứng bằng cách đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc trao đổi tiền tệ, rút tiền và chuyển tiền tệ ra nước ngoài.

Thêm vào đó, việc nhập khẩu của Nga giảm mạnh làm giảm nhu cầu đối với tiền tệ và nâng giá đồng Ruble.

Bà Ribakova cho rằng, trong khi nhiều nước phương Tây và châu Á đã hạn chế mạnh xuất khẩu sang Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt hoặc do các công ty riêng lẻ đang chọn không giao dịch với Nga thì xuất khẩu từ một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã phục hồi phần nào trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, các công ty lữ hành của Nga đã bắt đầu cung cấp các chuyến du lịch mua sắm đến Belarus, nơi người tiêu dùng có thể mua các thương hiệu như Zara và Nike đã rời bỏ thị trường Nga.

Về vấn đề nguyên liệu sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, nhưng những người bán đồ cũ trên mạng xã hội đang "lấp đầy khoảng trống". Họ cung cấp phụ tùng ô tô được mua từ Kazakhstan và Belarus.

Một quảng cáo trong một nhóm Telegram gần 18.000 người viết rõ: “Chúng tôi sẽ đặt hàng và mang đến các nguyên liệu sản xuất ô tô từ châu Âu hoặc Kazakhstan như: đĩa phanh, dầu, bộ ly hợp cho Audis và BMW, phụ tùng thay thế mới cho ô tô Mỹ. Dù không tìm được mọi thứ nhưng chúng tôi có thể tìm thấy rất nhiều!"

(theo Washington Post)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-thang-hung-don-trung-phat-rong-rai-tu-phuong-tay-kinh-te-nga-van-yen-on-195772.html