Sáu tháng không 'vất vả' của VN-Index
Vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 6-2019, VN-Index đã tăng mạnh trong phiên khớp lệnh định kỳ trước khi đóng cửa nhờ lực mua của khối ngoại và các tổ chức. Các quỹ đầu tư đã giải ngân để kéo giá hầu hết những cổ phiếu trong danh mục của họ nhằm đạt mục tiêu về NAV (giá trị tài sản ròng), mà những cổ phiếu trong danh mục này phần lớn lại là các trụ cột trên sàn TPHCM.
Một số cổ phiếu trụ cột đã biến động 5-6% trong ngày hôm đó. Nếu không, VN-Index đã không thể có được mức tăng trưởng 6,3% trong nửa đầu năm nay.
Sáu tháng qua không phải là quãng thời gian êm đềm, nhưng cũng không “vất vả” của chỉ số chứng khoán bởi VN-Index biến động theo sự lên xuống của chứng khoán thế giới, vốn trồi sụt thất thường dưới ảnh hưởng của diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Mỗi khi chỉ số Dow Jones hay S&P500 phát tín hiệu điều chỉnh, giới tài chính quốc tế tỏ ra bi quan về tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể chậm lại, lập tức Tổng thống Donald Trump lên tiếng “úy lạo” thị trường bằng những thông báo lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại hoặc ông lại chỉ trích Cục Dự trữ liên bang (Fed) chưa chịu giảm lãi suất. Chứng khoán Mỹ do đó tiếp tục đứng ở mức cao.
Cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được hưởng lợi nhiều vì nhu cầu thuê đất tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại thị trường Việt Nam các nhóm cổ phiếu phân hóa rất mạnh. Cổ phiếu thủy sản, dệt may sau khi “bùng nổ” trong quí 1, quí 2 đã giậm chân tại chỗ khi thông tin về xuất khẩu sang Trung Quốc trở nên khó hơn do sự kiểm duyệt về chất lượng đi kèm biến động tỷ giá đồng nhân dân tệ. Có thời điểm đồng tệ đã tiến sát mốc 7 tệ đổi 1 đô la Mỹ.
Thêm vào đó nguồn cung cá tra trong nước tăng nhanh, khiến giá cá tra mua tại chỗ giảm, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến xuất khẩu. Cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được hưởng lợi nhiều vì nhu cầu thuê đất tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên các cổ phiếu khu công nghiệp đã đạt mức tăng kỳ vọng theo phân tích dự báo của các công ty chứng khoán.
Trong nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, hai cổ phiếu “kinh điển” có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm và những người liên quan là ITA và KBC đã không biến động như mong đợi. Thị trường luôn chứa đựng những lý do riêng của nó. Đã rất nhiều năm nay ITA và KBC hầu như không vay được vốn ngân hàng. Thời gian trước cả hai còn phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ nợ. Động thái này làm pha loãng cổ phiếu tương đối cao.
Chưa kể ITA có lẽ đã 10 năm nay chưa hề chia cổ tức bằng tiền. Giới ngân hàng đã không mặn mà với việc tài trợ vốn cho KBC và ITA khi mà một số khoản nợ trước đó của một số công ty trong nhóm có liên quan đến ITA và KBC đã không được trả đúng hạn.
Cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất và truyền tải, phân phối điện là nhóm ghi nhận mối quan tâm rộng rãi của nhà đầu tư khi giá điện không những tăng mà nhu cầu tiêu thụ điện cũng “nhảy nhót” do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài trên diện rộng khắp cả nước. Điển hình trong nhóm là PPC.
Ngoài phân hóa theo nhóm, không ít cổ phiếu riêng lẻ đã có sự bứt phá, mang lại lợi nhuận ở mức 30-40% cho cổ đông.
PPC đã miệt mài leo dốc từ 18.000 đồng/cổ phiếu đầu năm lên mức 30.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, tức tăng 67%. Không nghi ngờ PPC lọt vào tốp 10 những cổ phiếu mang lại mức lợi nhuận đáng mơ ước cho cả nhà đầu tư trung, dài hạn lẫn lướt sóng.
Ngoài phân hóa theo nhóm, không ít cổ phiếu riêng lẻ đã có sự bứt phá, mang lại lợi nhuận ở mức 30-40% cho cổ đông. Đó là một số cổ phiếu có diễn biến về mua bán và sáp nhập (M&A) như GTN, hoặc Nhà nước thoái vốn và chuyển sàn niêm yết từ Hnx hoặc UpCom về Hose như VCG, VGC, POW, HVN...
Thực ra những cổ phiếu trên đã tăng giá từ quí 4 năm ngoái, nhưng suốt nửa đầu năm 2019 vẫn giữ được mức giá hấp dẫn do giá trị vốn hóa, do quá trình M&A chưa kết thúc hoặc ý định thoái vốn của nhà nước ngày càng được củng cố.
Về 5 cổ phiếu có tác động chủ lực lên VN-Index bao gồm VIC, VHM, VNM, VCB, SAB thì 4/5 đã không khiến nhà đầu tư thất vọng. Thị giá VCB tăng 33% so với đầu năm. Tương tự SAB tăng 12,5%; VIC tăng 15%; VHM tăng 9,5%. Chỉ VNM là thị giá ngang bằng mức đầu năm.
Sự tăng trưởng chậm lại của ngành sữa nói riêng và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói chung đã phần nào thay đổi cách nhìn nhận của các quỹ đầu tư vào VNM. Một số quỹ đã thoái vốn khỏi VNM. Dù vậy những đối tác chiến lược lớn, những cổ đông dài hạn vẫn dành nhiều tin tưởng cho cổ phiếu này. Đã có những phỏng đoán thị trường cần thêm thời gian để tiêu thụ hết lượng cổ phiếu VNM mà các quỹ thoái ra, sau đó mới đến thời kỳ VNM bước vào đợt diễn biến tích cực mới.
Thành Nam
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290990/sau-thang-khong-vat-va-cua-vn-index-.html