Sau thành công của nam, bóng đá Malaysia tăng cường nhập tịch cầu thủ nữ

Trong một động thái mang tính chiến lược và mang lại hy vọng mới cho tương lai bóng đá nữ quốc gia, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đang lên kế hoạch tích hợp các cầu thủ sinh ra ở nước ngoài vào các đội tuyển.

Hành động nhập tịch cầu thủ nữ của bóng đá Malaysia được xem là bước tiếp theo sau khi đội tuyển nam gặt hái thành công từ việc tận dụng nguồn lực kiều bào. Theo Chủ tịch Ủy ban bóng đá nữ Malaysia, bà Datuk Suraya Yaacob cho biết việc sửa đổi Đạo luật Hiến pháp (Sửa đổi) năm 2024 đã tạo điều kiện để nhiều cầu thủ trẻ sinh ra ở nước ngoài nhưng có mẹ là người Malaysia được tự động công nhận quốc tịch.

Sự thay đổi này mang tính bước ngoặt, đặc biệt với bóng đá nữ quốc gia, vốn luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lực lượng chất lượng cao. "Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ vì đã tạo ra một bước tiến lớn giúp mở rộng nguồn tài năng bóng đá Malaysia. Chúng tôi hiện có ba cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài sẵn sàng gia nhập đội U-20 quốc gia", bà Suraya chia sẻ.

Đội tuyển U-20 nữ Malaysia sẽ tham dự vòng loại Cúp bóng đá U-20 châu Á 2026, diễn ra từ ngày 6-8 đến ngày 10-8 tại Kuala Lumpur. Theo xác nhận từ FAM, ba cầu thủ đang thi đấu tại nước ngoài sẽ được triệu tập để kiểm tra phong độ và khả năng thích nghi trước khi được điền tên vào danh sách chính thức.

 Bóng đá Malaysia đang có nguồn nữ cầu thủ ở nước ngoài để nhập tịch. Ảnh: CCT.

Bóng đá Malaysia đang có nguồn nữ cầu thủ ở nước ngoài để nhập tịch. Ảnh: CCT.

Các cầu thủ này đến từ những nền bóng đá phát triển như Mỹ, Úc và Anh, nơi mà môi trường huấn luyện và trình độ chuyên môn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với khu vực Đông Nam Á. Nếu những gương mặt này vượt qua vòng đánh giá, họ chính là những nhân tố mới có thể mang đến sức bật đáng kể cho bóng đá Malaysia trong tương lai gần.

Việc FAM chuyển hướng sang tìm kiếm tài năng kiều bào không phải là điều mới với bóng đá Malaysia. Trước đó, đội tuyển nam quốc gia đã gặt hái thành công nhờ vào sự đóng góp của các cầu thủ có gốc gác Malaysia nhưng phát triển sự nghiệp tại châu Âu hay Úc. Điều này giúp cải thiện chất lượng thi đấu ngay lập tức, như vừa thắng Việt Nam 4-0 ở vòng bảng Asian Cup 2027, đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực với cộng đồng cầu thủ gốc Malaysia ở nước ngoài.

Bà Suraya cho biết thêm: "Sự tiến bộ của đội tuyển nam đã truyền cảm hứng cho nhiều nữ cầu thủ Malaysia đang sống và thi đấu ở nước ngoài. Họ muốn cống hiến cho đất nước của mẹ mình, và điều đó thật đáng trân trọng”.

 Chủ tịch Ủy ban bóng đá nữ Malaysia, bà Datuk Suraya Yaacob mong muốn phát triển nhanh bằng lứa cầu thủ kiều bào. Ảnh: CCT.

Chủ tịch Ủy ban bóng đá nữ Malaysia, bà Datuk Suraya Yaacob mong muốn phát triển nhanh bằng lứa cầu thủ kiều bào. Ảnh: CCT.

Dù có sự cải thiện rõ rệt, đội tuyển nữ Malaysia vẫn còn một khoảng cách lớn với các đội bóng mạnh tại châu lục. Trong vòng loại Cúp bóng đá nữ châu Á 2026 vừa diễn ra, họ giành chiến thắng trước Palestine và Tajikistan với cùng tỷ số 1-0, nhưng đã bị CHDCND Triều Tiên "hủy diệt" 6-0, qua đó rời giải sớm.

Điều này cho thấy bóng đá Malaysia vẫn thiếu những nhân tố đột biến có thể tạo khác biệt trước các đối thủ lớn, và việc tích hợp tài năng từ các quốc gia phát triển có thể là giải pháp hiệu quả nhất trong ngắn hạn.

Bóng đá nữ Malaysia đang trên đà phát triển, với các giải đấu trong nước ngày càng chuyên nghiệp hơn và phong trào bóng đá học đường được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu muốn sánh ngang với các đại diện mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay thậm chí là Thái Lan, Việt Nam,… việc tận dụng nguồn lực ngoại quốc một cách bài bản và chiến lược là điều cần thiết.

 Sau thành công của nam, bóng đá Malaysia quan tâm nhiều hơn đến lực lượng cầu thủ nữ ở nước ngoài. Ảnh: CCT.

Sau thành công của nam, bóng đá Malaysia quan tâm nhiều hơn đến lực lượng cầu thủ nữ ở nước ngoài. Ảnh: CCT.

Chủ tịch Suraya cũng nhấn mạnh rằng, dù hoan nghênh tài năng từ nước ngoài, họ vẫn sẽ phải vượt qua quá trình đánh giá khắt khe trước khi khoác áo tuyển quốc gia: "Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai, nhưng chúng tôi cũng không trao suất thi đấu một cách dễ dàng. Mọi cầu thủ đều phải chứng minh họ xứng đáng đại diện cho Malaysia”.

Sự thay đổi về luật quốc tịch kết hợp cùng tầm nhìn chiến lược của FAM đang mở ra một chương mới đầy hy vọng cho bóng đá nữ Malaysia. Nếu được triển khai hiệu quả, đây có thể là bước đệm giúp họ nâng cao vị thế ở Đông Nam Á, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng ở đấu trường châu lục như bóng đá nam.

NGỌC ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-thanh-cong-cua-nam-bong-da-malaysia-tang-cuong-nhap-tich-cau-thu-nu-post859670.html