Fidel Castro (giữa) và Raul Castro (dưới) cùng các chỉ huy lực lượng du kích tháng 6/1957. Xuất thân từ một gia đình phú nông, anh em Fidel - Raul tham gia chính trị từ khi còn học trung học ở thành phố Santiago, và sau này là Đại học Havana. Ảnh: New York Times.
Fidel phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại một doanh trại quân đội ở thủ đô Havana hôm 8/1/1959. Tháng 1/1959, sau hàng loạt các chiến thắng quân sự của lực lượng du kích, nhà độc tài Fulgencio Batista rời Cuba. Fidel Castro trở thành thủ tướng Cuba năm 1959 ở tuổi 32 và là nhà lãnh đạo trẻ nhất Mỹ Latin thời kỳ đó. Em trai ông, Raul Castro, đảm trách vị trí Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Fidel Castro (phải), Tổng thống Cuba Osvaldo Dorticos (giữa), và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Rau Castro (trái) theo dõi cuộc diễu binh tại Havana ngày 2/1/1966. Trong thập kỷ đầu tiên nắm quyền tại Cuba, Fidel Castro thực thi nhiều cải cách xã hội, mang lại bình đẳng cho người da màu và phụ nữ, đồng thời cải thiện chất lượng y tế, thông tin liên lạc, giáo dục, nhà ở. Cuối thập kỷ 60, tất cả trẻ em Cuba đều được đi học (so với mức 50% năm 1959). Ảnh: AP.
Fidel Castro trên cương vị chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba nói chuyện cùng Daniel Ortega, điều phối viên Hội đồng quân sự tái thiết quốc gia của Nicaragua tại lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng sự kiện Vịnh Con lợn ngày 21/4/1981. Cuba sau đó hỗ trợ lớn cho Nicaragua trong cuộc chiến chống nhóm vũ trang Contras do CIA hậu thuẫn. Cách mạng Cuba thành công đã tạo cảm hứng cho nhiều cuộc cách mạng xã hội khác tại các nước Mỹ Latin cũng như trên thế giới. Ảnh: AP.
Fidel Castro và em trai Raul Castro ăn mừng sau khi hai người tái đắc cử trong cuộc bầu cử Đại hội 3 đảng Cộng sản Cuba ngày 8/2/1986. Đây là giai đoạn nền kinh tế Cuba rơi vào khủng hoảng do giá mía đường thế giới suy giảm cùng với gánh nặng viện trợ Cuba dành cho các phong trào cánh tả khắp Mỹ Latin, châu Phi và châu Á. Ảnh: AP.
Chủ tịch Fidel Castro, Phó chủ tịch Raul Castro tiếp đón Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 3/4/1989 tại sân bay thủ đô Havana. Bất chấp những biến chuyển của tình hình thế giới trong thập niên 80 và 90, anh em Fidel - Raul vẫn kiên trì điều hành Cuba theo con đường chủ nghĩa xã hội. Ảnh: AP.
Fidel và Raul chờ gặp mặt các nguyên thủ quốc gia tới Havana dự Hội nghị Thượng định G-77 ngày 13/4/2000. Trong hàng thập kỷ nắm quyền, hai anh em nhà Castro luôn xuất hiện bên nhau tại các nghi lễ cấp nhà nước. Ảnh: AP.
Raul Castro đảm nhận chức vụ chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba tạm quyền sau khi sức khỏe của người anh trai Fidel xấu đi nhanh chóng vào năm 2006. Fidel chính thức rời khỏi vị trí chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba ngày 24/2/2008. Ông Raul đảm nhận vị trí này từ đó cho tới nay. Ảnh: AP.
Trên cương vị lãnh đạo tối cao, Chủ tịch Raul Castro cùng Tổng thống Barack Obama đã có những bước tiến kéo quan hệ Cuba - Mỹ xích lại gần nhau. Năm 2015, Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận chống Cuba, sau khi Havana tiến hành một số cải cách xã hội mở và cửa nền kinh tế. Mỹ cũng tái lập đại sứ quán tại Cuba sau nhiều thập kỷ gián đoạn quan hệ. Ảnh: CNBC.
Lãnh tụ Fidel Castro bất ngờ xuất hiện tại phiên bế mạc Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Cuba hôm 19/4/2016. Lãnh tụ Fidel Castro qua đời ngày 25/11/2016 ở tuổi 90. Fidel được hỏa táng hôm 26/11/2016 trước khi được đưa về an táng tại nghĩa trang Santa Ifigenia, thuộc thành phố Santiago de Cuba, nơi ông bắt đầu con đường cách mạng. Ảnh: AP.
Người dân tại thành phố Santiago xếp hàng dài đón chờ đoàn xe đưa tro cốt Fidel về nghĩa trang Santa Ifigenia hôm 3/12/2016. Ảnh: AP.
Raul Castro, năm nay 87 tuổi, tuyên bố sẽ rút lui khỏi chức vụ chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba từ ngày 19/4/2018, chấm dứt 59 năm hai anh em Raul - Fidel nắm quyền lãnh đạo đảo quốc Caribe này. Mặc dù vậy, ông Raul Castro sẽ vẫn giữ chức vụ bí thư thứ nhất Trung ương đảng Cộng sản Cuba. Ảnh: AP.
Theo Duy Anh/Zing