Sau thời 'bầu' Thắng, nhóm cổ đông nào đang dẫn dắt KienLongBank trước thềm niêm yết?

Dự kiến niêm yết vào cuối 2025, KienlongBank ghi nhận nhiều chuyển động trong cơ cấu cổ đông, trong đó nổi bật là nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Sunshine. Ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2025, nhưng đồng thời nợ xấu cũng tăng 19%. Một loạt vi phạm tại chi nhánh Đông Sài Gòn từng bị cơ quan thanh tra chỉ rõ, làm dấy lên lo ngại về chất lượng kiểm soát tín dụng khi ngân hàng tiến gần mốc niêm yết.

Lợi nhuận ấn tượng, cảnh báo nợ xấu

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2024, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, mã: KLB) đã trình cổ đông tại đại hội năm nay là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán, chính thức đưa mã cổ phiếu KLB lên sàn sau thời gian dài giao dịch trên UPCoM. KLB dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu niêm yết trong quý IV/2025.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng dự kiến chào bán một lượng cổ phiếu tương đương cho cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến trong năm 2025 - 2026. Giá bán dự kiến 10.000 đồng/cp hoặc giá khác cao hơn do HĐQT quyết định. Vốn điều lệ sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ dự kiến trong năm 2025 tối đa là 7.268 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn thu về sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh của KienlongBank (1.750 tỷ) và đầu tư tài sản cổ định, hệ thống công nghệ,.... (57,4 tỷ đồng).

Trong quý I/2025, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 357 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ba tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của KienlongBank đạt trên 849 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài ra, các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sự khởi sắc. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 41%, đạt gần 160 tỷ đồng. Kết quả này phần lớn đến từ việc tăng thu trong các mảng thanh toán, cho thuê văn phòng, kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm – những lĩnh vực đang đóng vai trò bổ trợ quan trọng cho nguồn thu truyền thống từ tín dụng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng mang lại kết quả tích cực với lợi nhuận gần 21 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, nhờ tăng thu từ giao dịch ngoại tệ giao ngay và đồng thời kiểm soát tốt chi phí liên quan. Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận khoản lãi gần 104 tỷ đồng từ các hoạt động khác – gấp 3,7 lần so với quý I năm ngoái. Khoản lãi đột biến này chủ yếu đến từ việc thu hồi hơn 111 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng trước đó.

Ở chiều chi phí, tổng chi phí hoạt động trong quý tăng 30%, lên mức 579 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng chi phí nhân sự – chiếm gần 50% mức tăng. Tuy vậy, nhờ tốc độ tăng thu nhập vượt trội, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn đạt 555 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ.

Trong quý này, KienlongBank dành 198 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 78% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế vẫn đạt gần 357 tỷ đồng, phản ánh khả năng tăng trưởng ổn định của ngân hàng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 là 1.379 tỷ đồng, ngân hàng đã hoàn thành gần 26% chỉ sau quý đầu tiên.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của KienlongBank đạt 97.164 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 31% lên 5.495 tỷ đồng, trong khi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 20%, còn 12.301 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11%, lên mức 67.958 tỷ đồng – cho thấy đà tăng trưởng tín dụng tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, tổng nợ xấu đến cuối quý I/2025 tăng 19% so với đầu năm, lên mức 1.471 tỷ đồng. Hệ quả là tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ từ 2,02% lên 2,17%. Dù mức tăng chưa gây nhiều lo ngại, nhưng cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng chặt chẽ hơn trong các quý tới.

Ai đang sở hữu Kienlongbank?

Tại thời điểm cuối tháng 7/2024, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của KienlongBank ghi nhận 16 cá nhân và 5 doanh nghiệp nắm giữ lượng lớn cổ phần, không bao gồm cổ phiếu quỹ. Đáng chú ý, trong số các cá nhân, bà Trần Thị Thu Hằng – người từng giữ cương vị Chủ tịch KienlongBank từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2024 – sở hữu 4,72% vốn và là người duy nhất trong danh sách có mặt trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành của ngân hàng. Bà Hằng đồng thời cũng là cổ đông lớn tại Công ty chứng khoán SmartMind (trước đây là Chứng khoán KS), đơn vị có liên quan đến Tập đoàn Sunshine.

15 cá nhân còn lại, phần lớn từng đảm nhận vai trò quản lý tại KienlongBank hoặc có liên hệ mật thiết với ông Võ Quốc Thắng – hay còn gọi là "bầu" Thắng. Một số cái tên nổi bật gồm ông Nguyễn Huy Văn, Phạm Trần Duy Hiền, Nguyễn Thụy Quỳnh Hương và ông Võ Quốc Lợi – con trai của "bầu" Thắng.

Sau sự xuất hiện của Tập đoàn Sunshine cùng dàn lãnh đạo mới, nhóm nhân sự thân cận với "bầu" Thắng đã không còn giữ các vị trí điều hành trong ngân hàng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nhóm cổ đông này vẫn hiện diện thông qua sở hữu cổ phần. Cụ thể, ông Võ Quốc Lợi đang nắm giữ 4,69% vốn, còn ông Lê Võ Mạnh Cường – cổ đông lớn của CTCP Đồng Tâm – sở hữu 4,65%.

Ngoài các cá nhân nói trên, 5 doanh nghiệp hiện đang nắm khoảng 10% vốn tại KienlongBank. Trong đó, CTCP Đồng Tâm sở hữu 1,82% cổ phần, còn CTCP Khu công nghiệp Long An – có cùng người đại diện pháp luật với văn phòng đại diện của Đồng Tâm – nắm 2,41%. Đáng chú ý, CTCP Vinamico Khánh Hòa – một pháp nhân có liên hệ với nhiều công ty thuộc Tập đoàn Sunshine như Sunshine Tây Hồ, Sunrise Việt Nam, Empire MP – cũng đang nắm 2,43% cổ phần tại KienlongBank.

Lưu ý về hoạt động cấp tín dụng tại một số Chi nhánh

Trước đó, ngày 26/2, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM đã công bố kết luận thanh tra đối với Kienlongbank, chi nhánh Đông Sài Gòn.

Theo kết luận thanh tra, huy động vốn từ tiền gửi tại KienlongBank Đông Sài Gòn ở mức thấp, tương đối ổn định trong các năm từ 2020 đến 2022 tuy nhiên đến cuối 2023 thì sụt giảm.

Trong khi đó, dư nợ tại chi nhánh ở mức thấp vào cuối năm 2020 và sau đó tăng mạnh trong năm 2021 và 2022 chủ yếu do một khoản vay lớn phát sinh từ một khách hàng. Tính đến ngày 30/11/2023, dư nợ cho vay tiếp tục tăng đột biến, chủ yếu đến từ khoản vay phát sinh thêm của một khách hàng.

Kết luận chỉ ra có sự chênh lệch lớn và mất cân đối giữa nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay của ngân hàng. Đồng thời có nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động cấp tín dụng và quản lý tài sản của KienlongBank Đông Sài Gòn.

Cụ thể, hoạt động cấp tín dụng tại chi nhánh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro là hệ quả của những vi phạm tồn tại về thẩm định và quyết định cấp tín dụng, về kiểm tra sử dụng tiền vay của việc cấp tín dụng vào một số ít khách hàng.

Các vi phạm được đề cập như cấp tín dụng cho khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; thẩm định và quyết định cho vay/xét duyệt cấp bảo lãnh chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ; thực hiện chưa đúng quy định về kiểm tra sử dụng tiền vay; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng růi ro không đúng quy định; tồn tại về định giá tài sản bảo đảm, về sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp.

Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, chuyển tiền ra nước ngoài, ngân hàng dã chưa thu thập đầy đủ hồ sơ, chưa tuân thủ về trạng thái ngoại hối theo quy định nội bộ của KienlongBank.

Cơ quan Thanh tra, Giám sát NHNN chi nhánh TP HCM đã xác định trách nhiệm thuộc về một số cá nhân tại các đơn vị phòng ban của KienlongBank Đông Sài Gòn và Hội sở chính của ngân hàng. Các cá nhân này đã vi phạm quy trình cấp tín dụng, kiểm tra và quyết định cấp bảo lãnh cho các khách hàng không đủ điều kiện.

Do đó, cơ quan thanh tra đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ngân hàng này với các lỗi bị phát hiện bao gồm việc cấp tín dụng cho tổ chức không đủ điều kiện và phân loại tài sản có không đúng quy định.

Về phía Kienlongbank, kết luận thanh tra cũng kiến nghị ngân hàng cần chỉ đạo rà soát toàn hệ thống với những khách hàng có dư nợ cấp tín dụng, có mục đích sử dụng vốn, tài sản đảm bảo và nguồn thu trả nợ liên quan đến các công trình dự án thuộc ba dự án cụ thể (Kết luận không nêu cụ thể tên 03 Dự án).

Cùng với đó, ngân hàng cần ban hành quy định nội bộ hướng dẫn chi tiết hoạt động định giá trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khi nhận làm tài sản bảo đảm dựa trên các căn cứ, cơ sở rõ ràng, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

Kienlongbank cũng cần kiểm tra, rà soát toàn bộ việc chấp hành các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tại chi nhánh Đông Sài Gòn với các hồ sơ còn dư nợ tại thời diểm 30/11/2023 chưa được thanh tra,...

N.H

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/sau-thoi-bau-thang-nhom-co-dong-nao-dang-dan-dat-kienlongbank-truoc-them-niem-yet-142733.html