Sau thuế phụ thu năng lượng, EU muốn áp trần giá khí đốt
Sau khi thống nhất áp thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với công ty năng lượng, các nước thuộc EU bắt đầu đàm phán về biện pháp tiếp theo để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
Rất có thể động thái tiếp theo của EU là áp trần giá khí đốt trên toàn khu vực, theo hãng tin Reuters.
Tại cuộc gặp diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào ngày 30/9, các bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua gói biện pháp nhằm ngăn chặn đà tăng giá năng lượng đang gây ra lạm phát cao kỷ lục và đe dọa gây ra suy thoái ở châu Âu.
Gói biện pháp vừa được thông qua bao gồm việc đánh thuế phụ thu (windfall tax) đối với khoản lợi nhuận tăng thêm của các công ty nhiên liệu hóa thạch trong năm nay hoặc năm tới. Đây là khoản lợi nhuận mà các nhà sản xuất điện giá rẻ kiếm được nhờ giá điện tăng cao.
Sau khi thống nhất áp thuế phụ thu, các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu đàm phán về động thái tiếp theo nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Theo đó, nhiều quốc gia trong EU muốn áp trần giá khí trên diện rộng, trong khi một số thành viên khác, đặc biệt là Đức, vẫn phản đối phương án này.
"Tất cả các biện pháp tạm thời hiện đều rất tốt, nhưng để tìm ra giải pháp giúp người dân trong cuộc khủng hoảng năng lượng lần này, chúng ta cần giới hạn giá khí đốt", Bộ trưởng Kinh tế Croatia, ông Davor Filipovic, nêu tại cuộc họp các bộ trưởng EU ngày 30/9.
Trong tuần này, 15 quốc gia thành viên EU, bao gồm Pháp, Italia và Ba Lan, đã đề nghị Brussels áp trần giá đối với tất cả các giao dịch khí đốt bán buôn nhằm kiềm chế lạm phát.
Reuters dẫn đề xuất của Bỉ, Hy Lạp, Ba Lan và Italia cho biết giá khí nên được áp trần ở mức "đủ cao và linh hoạt để châu Âu có thể thu hút các nguồn lực cần thiết". Các quốc gia này phản bác tuyên bố của Ủy ban châu Âu rằng áp trần giá khí đốt trên diện rộng sẽ cần đến "nguồn tài chính đáng kể" để mua khí đốt khẩn cấp nếu giá thị trường vượt trần của EU.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, bà Tinne Van der Straeten, cho rằng chỉ cần nguồn tài chính 2 tỷ EUR (tương đương 1,96 tỷ USD) để triển khai đề xuất áp trần giá, bởi hầu hết các mặt hàng năng lượng nhập khẩu của châu Âu được thực hiện theo hợp đồng dài hạn hoặc theo hệ thống đường ống mà không dễ dàng tìm kiếm nhà cung ứng thay thế. Đó sẽ là một phần nhỏ trong số 140 tỷ EUR mà EU kỳ vọng thu được từ việc áp thuế thuế lợi tức phụ thu đối với các công ty năng lượng ghi nhận mức lợi nhuận tăng đột biến.
Tuy nhiên, Đức, Áo, Hà Lan và một số quốc gia khác trong EU cảnh báo rằng việc áp trần giá khí đốt trên diện rộng có thể khiến các nước gặp khó khăn khi mua khí đốt, nếu họ không thể cạnh tranh với các bên mua khác trên thị trường toàn cầu.
Reuters dẫn lời quan chức ngoại giao của một quốc gia thành viên EU cho biết ý tưởng áp trần giá khí đốt gây ra "rủi ro đối với an ninh nguồn cung" bởi châu Âu sắp bước vào mùa đông với nguồn cung năng lượng eo hẹp do Nga cắt giảm dòng khí đốt sang châu Âu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.
Ủy ban châu Âu cũng tỏ ra nghi ngại và đề nghị xem xét việc áp trần giá khí đốt ở quy mô hẹp hơn và nên nhắm vào mục tiêu riêng là khí đốt của Nga, hoặc là khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.
Bà Kadri Simson, Ủy viên năng lượng của EU cho biết: "Chúng tôi cần phải đưa ra một mức trần giá cho tất cả khí đốt của Nga".
Brussels đã đề xuất áp trần giá khí đốt vào đầu tháng này, nhưng ý tưởng này vấp phải sự phản kháng của các nước ở khu vực Trung và Đông Âu vì lo ngại Nga sẽ trả đũa bằng cách cắt nốt lượng khí đốt còn lại mà họ thường cung cấp.
Với đề xuất trên, Brussels hy vọng sẽ lấp đầy khoảng cách tiếp cận của các quốc gia thành viên, bởi trong cuộc khủng hoảng năng lượng lần này, các nước giàu hơn trong EU chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ các công ty yếu kém và người tiêu dùng đang chật vật chi trả hóa đơn năng lượng.
Trước đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã đề xuất tung gói 200 tỷ EUR để giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng cao.
Trong khi đó, ông Claude Turmes, Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg đã hối thúc EU thay đổi các quy tắc viện trợ để ngăn chặn cuộc chạy đua chi tiêu "điên rồ" giữa các nước thành viên. "Đó là ranh giới kế tiếp để có thêm sự đoàn kết và ngăn chặn cuộc đấu đá này", Bộ trưởng Turmes nói thêm.