Sau Tibaco, 'ông lớn' ngành hóa chất muốn thâu tóm Phốt pho 6
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) cho biết lý do mua Phốt pho 6 là để tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm H3PO4, Sodium Tripoly phosphate - STPP (NasP3O10), Sodium hexametha photphate - SHMP (NaPO3)6; ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho; tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
HĐQT Hóa chất Đức Giang vừa thông qua chủ trương mua 100% cổ phần CTCP Phốt pho 6.
Được biết, Phốt pho 6 có trụ sở tại Lô B24, B24A, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty hiện sở hữu 1 lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm.
Hiện tại, nhà máy phốt pho vàng lớn nhất của Đức Giang là nhà máy công suất 40.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai – đơn vị đứng ra mua lại Phốt pho 6.
Công ty con do Đức Giang nắm 51% là CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) cũng sở hữu 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng với công suất thiết kế mỗi dây chuyền là 10.000 tấn/năm, tổng cộng 20.000 tấn/năm.
Năm 2022, Đức Giang sản xuất 54.145 tấn phốt pho vàng. Như vậy, CTCP Phốt pho 6 có thể giúp nâng thêm 18% tổng sản lượng sản xuất của Đức Giang.
Thông báo của công ty cho biết, Đức Giang mua Phốt pho 6 với giá 635 tỷ đồng, tương đương gần 17.500 đồng/cp. Thời gian dự kiến thực hiện thương vụ là trong quý II/2023.
Trước đó, tháng 3 vừa qua, Đức Giang đã thực hiện mua thành công hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% cổ phần của CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) với mức giá 135 tỷ đồng. Thông qua Tibaco, Đức Giang đang có kế hoạch sản xuất pin lithium, sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực xe điện.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 29/3 vừa qua, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch DGC nhận định, Việt Nam không có lithium nên đang phải nhập lithium từ Trung Quốc và các nước khác. Công ty đã “nuôi quân” 200 người tại mảng này và sẽ bắt tay làm từ quý II/2023.
Về tình hình kinh doanh, quý IV/2022, Đức Giang báo lãi 1.032 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong 5 quý, tính từ quý III/2021. Nếu so với đỉnh vào quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đã giảm liên tục trong 2 quý và để mất 42,1% so với mức đỉnh.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến HĐQT Đức Giang đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 10.900 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 25% và 50% so với cùng kỳ. Riêng trong quý I/2023, Đức Giang đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 700 tỷ đồng, tiếp tục giảm 32,1% so với quý trước đó.
SSI Research cho rằng, lợi nhuận của Đức Giang sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới, khi giá phốt pho vàng dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh và chi phí điện có thể tăng (dự kiến trong quý II/2023). Dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của Tập đoàn sẽ giảm xuống và đạt 3.800 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.
“Dự phóng mức sụt giảm lợi nhuận sẽ mạnh nhất trong quý II/2023, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong giai đoạn đó”, SSI Research nhấn mạnh.
Tương tự, BVSC cũng chỉ ra những thách thức mà Đức Giang sẽ phải đối mặt trong năm 2023 khiến kết quả kinh doanh khó bứt phá mạnh mẽ. Đó là mảng phốt pho vàng (đóng góp hơn 50% tổng doanh thu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra. Bên cạnh đó, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong năm 2023; dự án Nghi Sơn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch và giá phân bón khó tăng mạnh do tồn kho từ nửa đầu năm.
Trên sàn chứng khoán, ngay từ đầu tháng 2, trước áp lực bán mạnh, cổ phiếu DGC đã “hao hụt” tới 18%, trong khi chỉ số chính VN-Index chỉ giảm hơn 6%. Chốt phiên 13/4, cổ phiếu DGC dừng ở mức 54.600 đồng/cp.